Chuyện tranh cãi cấm hay không cấm ứng dụng dịch vụ Uber tại Việt Nam đến nay vẫn chưa ngã ngũ, nhưng điều này đang khiến nhiều hãng taxi lo sợ vì mất khách. Vì thế, khi dịch vụ Uber triển khai tại Hà Nội vào ngày 4/12 vừa qua, dịch vụ Uber tiếp tục vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hiệp hội Vận tải Hà Nội.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên TTXVN vừa qua, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vẫn đánh giá cao ứng dụng này. Theo ông Hùng, nếu dịch vụ Uber đăng ký kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam thì hoàn toàn đủ điều kiện về mặt pháp lý để cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải ở nước ta.
Hiện nay, thông qua luật pháp hiện hành, Luật Giao thông đường bộ thì có 5 đơn vị vận tải, loại hình vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đủ điều kiện bán dịch vụ cho Uber. “Chúng ta phải xác định rằng, Uber không chịu trách nhiệm về an toàn, dịch vụ vận tải mà chính người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua Uber phải chịu trách nhiệm. Như vậy, những người cung cấp dịch vụ vận tải qua Uber thì phải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định pháp luật bởi vì kinh doanh vận tải hành khách là loại hình vận tải có điều kiện”, ông Hùng nói.
Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, sẵn sàng khuyến khích các phương tiện kinh doanh vận tải đăng ký kinh doanh để họ bán dịch vụ vận tải qua Uber hoặc bất kỳ sàn giao dịch điện tử hỗ trợ vận tải nào đăng ký hợp pháp tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ những đề xuất để tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để dịch vụ đi chung xe là có thể được chính thức. Trách nhiệm của Nhà nước là có văn bản.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các ứng dụng taxi truyền thống hiện nay quá lạc hậu và chưa đem lại tiện ích cho mọi người. Do đó, nhiều khách hàng cho rằng các hãng taxi nên thay đổi lại cách quản lý dịch vụ để đem lại sự an tâm và hài lòng cho khách hàng. Vì trên thực tế, bên cạnh các hãng xe taxi chính hãng còn có rất nhiều xe taxi “dù”. Cộng thêm đó, quá nhiều hãng taxi ra đời đã có sự tranh giành khách, thậm chí cố ý đi đường vòng để gian lận nhiều tiền hơn. Nhiều khách đón xe dọc đường quên để ý tên tài xế, biển số xe... nên khi để quên đồ, dù có gọi cho tổng đài nhưng phải mất một thời gian mới truy tìm được xe khách đã đi. Còn đồ tìm được hay không, lại là “hên, xui” và trông chờ vào ứng xử của mỗi tài xế.
Theo anh Hoàng Nam (ngụ tại quận 7), nếu các Hiệp hội taxi, Hiệp hội Vận tải cho rằng dịch vụ Uber không có bảo hiểm, không đem lại an toàn cho khách hàng là không đúng. “Bởi khi đi taxi, việc bỏ quên đồ và mất đồ vẫn thường xuyên xảy ra và ít khi tìm lại được do không nhớ số xe tài xế. Với các ứng dụng gọi taxi, thì chúng tôi yên tâm hơn vì các ứng dụng này luôn lưu lại lịch sử đi xe và gửi hóa đơn qua email, có số xe, tên tài xế rõ ràng”, anh Nam nói.
Ông Cheng Huan, người Singapore làm việc tại TP Hồ Chí Minh, cũng chia sẻ: “Các ứng dụng gọi taxi là một loại công nghệ thông minh, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hành khách lẫn tài xế. Đặc biệt là khách người nước ngoài, chúng tôi không phải lo lắng về những rủi ro và tính an toàn khi sử dụng xe, nhất là của Uber. Trước kia, khi sử dụng taxi truyền thống ở Việt Nam, tôi thường gặp khó khăn về ngôn ngữ khi muốn nói với tài xế về điểm đến của mình. Nhưng khi sử dụng Uber, hành trình chuyến đi hiển thị trên ứng dụng, nên cả tôi và tài xế thậm chí không cần phải trao đổi, thì chúng tôi vẫn đến đúng đích. Tôi cũng không phải lo nghĩ đến việc tài xế gian lận về hành trình hoặc giá cả”.
Ông Cheng Huan cho biết thêm, Uber chính xác chỉ là một ứng dụng kết nối khách với đơn vị vận tải. Vì thế, chính các đơn vị vận tải tham gia Uber phải có tư cách pháp nhân và được phép hoạt động tại địa phương. “Về phía người sử dụng dịch vụ, chúng tôi tin rằng Chính phủ hoàn toàn có thể có những chính sách phù hợp với quốc gia của mình để quản lý hiệu quả. Điều quan trọng là phải biết tận dụng sự tối ưu của công nghệ để phục vụ tốt cho con người và cho cộng đồng”.
Thế nhưng, anh Hồng Thành, giám đốc một công ty dịch vụ truyền thông tại TP.HCM cho rằng, đây chỉ mới là bước khởi đầu của dịch vụ Uber. Do đó, thời điểm này Uber vẫn chưa có nhiều xe để vận hành kết nối với khách hàng. Một khi dịch vụ Uber này đã được nhiều khách hàng ưa thích, đương nhiên Uber sẽ mở rộng số lượng xe. Lúc này, sẽ khó quản lý được xe chạy dịch vụ Uber vì nó đã trở thành một dịch vụ đi xe ké đúng nghĩa. Nghĩa là, bất cứ cá nhân hay công ty nào cũng có thể là tài xế taxi cho Uber. Trong khi đó, dịch vụ đi xe này lại không có logo, biển báo nên sẽ phát sinh nhiều xe dù. Theo đó, cơ quan quản lý càng khó kiểm soát ứng dụng này. “Vì thế, dù taxi Uber có rẻ hơn các hãng taxi khác nhưng tôi không cổ suý cho dịch vụ đi xe ké này”, anh Thành nói.
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT), Bộ này hết sức ủng hộ ứng dụng này, tuy nhiên sự ủng hộ đó là về ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải và phải đúng quy định. Bởi đây là một loại hình vận tải taxi, một loại kinh doanh vận tải có điều kiện. Những điều kiện quy định rõ trong Nghị định 86, tất cả điều kiện đó được đặt ra nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính doanh nghiệp đó, tạo ra một sân chơi lành mạnh, thứ 2 là bảo vệ cho hành khách, thứ 3 là góp phần đảm bảo an toàn giao thông và các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng thuế đối với Nhà nước.
Hải Yên