Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức từ cơ quan chức năng của tỉnh, song những vụ việc cụ thể với kết cục đau lòng của cả trẻ vùng cao và vùng thấp, thành phố và nông thôn ở Lào Cai thời gian qua cho thấy sự cần thiết có những biện pháp hữu hiệu phòng tránh đuối nước cho trẻ em, trong đó có việc phải cắm biển cảnh báo ở những khu vực nguy cơ cao.
Biển cảnh báo nguy hiểm đuối nước. Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN |
Mới đây nhất, vào khoảng 16 giờ ngày 13/5, tại hồ thủy điện Tà Lơi 2, thuộc thôn Pờ Hồ Thấp, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, đã xảy ra một vụ đuối nước làm hai cháu nhỏ tử vong. Nạn nhân là cháu Thào A Phúc sinh năm 2011, trú tại thôn Pờ Hồ Thấp và cháu Thào A Kiên sinh năm 2011, trú tại thôn Xéo Tả Lé (xã Trung Lèng Hồ). Sau khi nhận được tin báo, các lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm và đến 18 giờ 30 phút cùng ngày đã tìm được thi thể hai cháu. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo UBND huyện Bát Xát và xã Trung Lèng Hồ cùng các cơ quan chức năng đã đến thăm hỏi, hỗ trợ gia đình các nạn nhân.
Trước đó ít ngày, một vụ đuối nước thương tâm cũng xảy ra tại hồ nước nhỏ gần Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai vào chiều 11/5. Vụ đuối nước khiến hai học sinh lớp 8 của Trường Trung học cơ sở Bắc Cường (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai) thiệt mạng. Theo cơ quan chức năng của thành phố Lào Cai, chiều 11/5, giáo viên Trường Trung học cơ sở Bắc Cường họp nên cho học sinh nghỉ học về nhà. Thế nhưng, 5 học sinh khối lớp 8 của trường gồm 3 học sinh nam và 2 học sinh nữ đã cùng nhau tới hồ nước nhỏ ở tổ 20, phường Bắc Cường để vui chơi và đã gặp nạn.
Là tỉnh miền núi, Lào Cai có hệ thống sông, suối phong phú, được phân bố khá đều trên địa bàn. Do đặc điểm địa hình, các sông, suối ở Lào Cai khá dốc với lưu vực rộng nên lượng nước dồi dào và dòng chảy rất mạnh. Lào Cai cũng là địa bàn đang trên đà phát triển với tốc độ đô thị hóa cao, các công trình xây dựng nhiều. Các hồ đập thủy điện và những hố nước công trường xây dựng chính là ẩn họa cho sự an toàn của trẻ. Theo phản ánh của người dân và quan sát của phóng viên, tại những điểm xảy ra tai nạn trên đều không có biển cảnh báo nguy hiểm của đơn vị thi công công trình.
Trước thực trạng này, ngày 15/5/2017, UBND tỉnh Lào Cai đã có công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, kịp thời cảnh báo như làm rào chắn tại ao hồ gần nhà, trường học, sân chơi; cắm biển cảnh báo tại những nơi dễ xảy ra tai nạn tại công viên, khu du lịch, đập thủy điện, bãi thải khu chế xuất, sông suối; lấp hố nước công trường xây dựng; đậy nắp bể chứa nước thải, giếng nước, thùng đựng nước dân dụng...
Để giảm thiểu tối đa các vụ đuối nước ở trẻ em trên địa bàn, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều công văn chỉ đạo; đồng thời phối hợp với các ngành liên quan có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền và tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ lãnh đạo các đoàn thể, địa phương, trường học về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ.
Vừa qua, Sở phối hợp với Tỉnh đoàn Lào Cai tổ chức tập huấn kỹ năng triển khai Luật Trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục; phòng chống đuối nước và tai nạn thương thích cho trẻ em với sự tham gia của gần 80 đại biểu là Bí thư Đoàn các xã, phường, thị trấn, Bí thư Chi đoàn cơ sở trong toàn tỉnh. Năm 2016, tỉnh tổ chức in hơn 60 ngàn tờ rơi, hàng ngàn băng đĩa có nội dung phòng chống đuối nước, cấp phát đến tận trường học, các địa phương...
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, những năm qua, Sở đã chọn một số xã của thành phố và huyện Bảo Yên làm mô hình điểm phòng tránh đuối nước nhằm tăng cường phối hợp trong việc bàn giao, quản lý học sinh, tổ chức hoạt động hè an toàn; tăng cường tổ chức cho trẻ em học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; kết quả đạt được là rất khả quan.
Nhiều năm liền, các địa bàn có mô hình điểm này không xảy ra trường hợp nào bị đuối nước. "Đối với việc dạy bơi cho trẻ em, quan trọng nhất vẫn là từ nhà trường, tiếp đến là cộng đồng. Bên cạnh đó, cần nhân rộng các mô hình xã hội hóa về dạy bơi, học bơi; phát động các nhà hảo tâm làm bể bơi mini dạy bơi cho trẻ. Phụ huynh cũng cần tạo mọi điều kiện cho con được học bơi, học kỹ năng tồn tại dưới nước và kỹ năng cứu đuối", bà Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.