Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, những ngày qua, tại thành phố diễn ra đợt triều cường “lịch sử” kết hợp mưa lớn và nước lũ đổ về khiến mực nước trên sông Hậu, các sông rạch trên địa bàn lên cao đến 2,33m (cao hơn báo động III 0,33m), gây tràn bờ, sạt lở tại các khu vực ngoại ô, làm nhiều tuyến đường nội ô của thành phố ngập sâu khoảng 0,5m. Các khu vực bị ngập sâu như: Trung tâm Thương mại Cái Khế, phường Tân An, phường An Lạc, hồ Xáng Thổi, Bến Ninh Kiều, quận Bình Thủy...
Nước lũ dâng cao làm cho việc đi lại của người dân vào giờ cao điểm gặp nhiều khó khăn; xảy ra ùn tắc cục bộ trên nhiều tuyến đường trọng yếu như Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ, Lý Tự Trọng…; nhiều hộ kinh doanh ế ẩm, sinh hoạt của một bộ phận người dân bị xáo trộn. Nước lũ lên nhanh đã làm sạt lở nhiều tuyến đê bao ở các huyện đầu nguồn như Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Ô Môn và các cồn trên sông Hậu như cồn Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Cái Khế, cồn Khương... Nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái và thủy sản nằm ngoài khu vực đê bao ở các huyện đầu nguồn đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, từ đầu mùa lũ đến nay, tại Cần Thơ có 113m đê bao bị thiệt hại, khiến 37 ha lúa Thu Đông bị ngập làm giảm năng suất, trên 91 ha rau màu bị ngập úng; 8,5 tấn thủy sản thoát ra sông, rạch do nước lũ kết hợp triều cường dâng cao tràn vào các ao nuôi cá.
Trước tình hình lũ diễn biến phức tạp và có khả năng tiếp tục lên cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó lũ theo phương châm "4 tại chỗ". Theo đó, mỗi địa phương phối hợp với Chi cục Thủy lợi thành phố thành lập các lực lượng nòng cốt để tham gia công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại chỗ và các lực lượng dự bị khi cần thiết; trang bị đầy đủ cho lực lượng cứu trợ các phương tiện như xuồng máy, dây kẽm, cao su, cưa máy...; tổ chức ứng trực bảo vệ đê bao. Đối với diện tích lúa Thu Đông ngoài đê bao cần huy động sức dân tập trung bảo vệ, đặc biệt là tại các vùng xung yếu, làm tiền đề để sản xuất các vụ sau an toàn hơn.
Các đơn vị quản lý địa phương và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh rạch để chủ động phòng tránh và điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra xuyên những khu vực đang diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm lòng dẫn để tổ chức cắm biển cảnh báo và di dời người dân đến nơi an toàn.
Các địa phương có nguy cơ ngập sâu hoặc vỡ đê bao gây ngập trên diện rộng cần gấp rút triển khai phương án đảm bảo an toàn các khu dân cư và sản xuất nông nghiệp; khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ, chủ động tiêu úng đảm bảo an toàn cho diện tích lúa Thu Đông và các loại cây trồng. Các ngành chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra các hệ thống đê bao, cống, đập để kịp thời xử lý, khắc phục sự cố, nhất là các tuyến đê bao ở các quận, huyện đầu nguồn như: Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các cồn trên sông Hậu.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Chi cục Thủy lợi thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy văn để chủ động ứng phó; rà soát và tiếp tục gia cố kịp thời các đoạn đê, đập có nguy cơ tràn, vỡ; phân công lực lượng trực ứng phó và giám sát các trạm bơm chủ động rút nước, tiêu úng bảo vệ sản xuất cho người dân; bố trí sẵn sàng và đầy đủ các phương tiện cơ giới để thu hoạch nhanh các trà lúa chín sớm, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa nước nổi; mở đồng đón lũ đối với ruộng lúa Thu Đông đã thu hoạch để tẩy rửa mầm bệnh, hứng lấy phù sa, đảm bảo sản xuất vụ lúa Đông Xuân tiếp theo đạt hiệu quả cao..
Ông Trương Quang Hoài Nam cũng yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng tránh đuối nước, đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh; tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung, đưa đón học sinh đi học trong mùa lũ. Đối với các khu vực ngập sâu, dòng chảy xiết cần có kế hoạch cho học sinh nghỉ học, triển khai phương án di dời người dân vào các khu vực cụm tuyến dân cư tập trung khi lũ lên cao.