Trong cuộc họp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông báo tình hình xuất khẩu gạo quý I và kết quả mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2012-2013, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 4/4, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, với mục tiêu xuất khẩu đạt 8 triệu tấn gạo, các doanh nghiệp ngành lương thực đang đứng trước nhiều khó khăn do nhu cầu trầm lắng, nguồn cung dồi dào và xuất hiện một số "bẫy" thương mại. Do đó, lúc này việc điều hành xuất khẩu của Hiệp hội cần tập trung hơn, cẩn trọng hơn và các doanh nghiệp khi đàm phán hợp đồng cũng phải tỉnh táo hơn.
Khó bán giá cao
Theo VFA, tính đến ngày 31/3, đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo cả nước đạt 3,576 triệu tấn, tăng 12,42% so với cùng kỳ năm trước, lượng gạo thực xuất trong quý I của cả nước đạt 1,451 triệu tấn, trị giá FOB 642,361 triệu USD, trị giá CIF 664,953 triệu USD, giá bình quân FOB là 442,06 USD/tấn… Đây được coi là kết quả khả quan trong điều kiện hiện nay.
Trước nhiều ý kiến đánh giá, thời gian qua xuất khẩu nhiều nhưng giá thấp, ảnh hưởng đến lợi ích của người sản xuất, VFA cho biết: Để có được con số nêu trên đã là một quá trình phấn đấu đầy vất vả của Hiệp hội và doanh nghiệp ngành lương thực. Theo phân tích của VFA, hiện nay Trung Quốc là thị trường mua gạo lớn nhất của Việt Nam, chỉ riêng trong quý I/2013 số lượng hợp đồng đã đạt trên 1 triệu tấn, nếu tính cả số lượng hợp đồng năm 2012 chuyển sang là gần 1,5 triệu tấn và đã giao hàng được 630.000 tấn. Tuy nhiên, việc mua bán của thị trường này phần lớn do chênh lệch giá, chứ không chỉ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, vì vậy họ thường mua với giá thấp để bảo đảm lợi nhuận sau khi giải quyết chi phí nhập khẩu qua hệ thống tư nhân. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải chấp nhận bán giá thấp vào thị trường này vì không có nhu cầu từ các thị trường khác, nhất là các thị trường truyền thống. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp Việt Nam phải bán giá thấp.
Trong khi đó, châu Phi là thị trường lớn thứ 2, trong quý I hợp đồng ký đạt trên 500.000 tấn, cộng thêm số lượng của năm 2012 chuyển sang là 0.000 tấn. Song trong 3 tháng đầu năm nay thị trường này còn tồn kho nhiều do nhập khẩu mạnh từ cuối năm 2012 nên nhu cầu không cao. Hơn nữa do biến động tỉ giá giữa USD và đồng Euro khiến giá gạo bằng USD có xu hướng giảm, khi đó người mua ở khu vực có đồng tiền gắn với Euro phải mua với giá thấp hơn bằng USD và doanh nghiệp Việt Nam muốn bán gạo vào thị trường này cũng phải bán với giá thấp.
Thời gian qua, có thể nói doanh nghiệp Việt Nam đứng trước 2 sự lựa chọn: Cạnh tranh để bán ra hoặc giữ giá cao nhưng không bán được. Trước sức ép giải phóng hàng do tồn kho tăng, không thể quay vòng vốn trả nợ ngân hàng và đặc biệt là sức ép mua vào lúa đông xuân để giữ giá lúa trong nước, các doanh nghiệp đã phải lựa chọn cạnh tranh để bán.
Mặc dù vậy ông Trương Thanh Phong cho biết, trong 2 tháng tới các doanh nghiệp không phải chịu sức ép mua vào nữa mà lúc này là lúc để bán hàng, vì vậy giá gạo trong nước sẽ có xu hướng tăng. Dự kiến trong quý II xuất khẩu gạo của cả nước sẽ đạt 2,2 triệu tấn và sẽ có thêm một số hợp đồng từ thị trường tập trung, VFA quyết tâm sẽ điều hành xuất khẩu đạt 8 triệu tấn gạo, đây là áp lực lớn với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong vụ hè thu tới. Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Phong cho rằng không chỉ VFA mà cả các doanh nghiệp phải theo dõi diễn biến của cả thị trường nhập khẩu và xuất khẩu, nhất là thị trường Thái Lan, Trung Quốc.
Mua tạm trữ vẫn cần thiết
Tại cuộc họp, bên cạnh chủ đề về tình hình xuất khẩu gạo hiện nay thì các doanh nghiệp còn đề cập khá nhiều đến việc thu mua tạm trữ lúa gạo. Đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, trong bối cảnh lúa gạo hàng hóa thu hoạch rộ với sản lượng lớn, việc thực hiện phương án mua tạm trữ là biện pháp cần thiết nhằm giữ ổn định giá thị trường, bảo đảm giá lúa định hướng cho nông dân.
Phân tích của VFA cho rằng, mua tạm trữ chỉ là một cơ chế hỗ trợ gián tiếp cho nông dân thông qua việc ổn định và nâng giá thị trường chứ không phải biện pháp hỗ trợ mua trực tiếp lúa gạo của nông dân ở mức giá cao hơn giá thị trường như các nước khác. Nếu không thực hiện mua tạm trữ, giá lúa gạo sẽ giảm mạnh, không bảo đảm mức giá định hướng trong điều kiện giá thị trường xuất khẩu sụt giảm như hiện nay. Như vậy nông dân là người có lợi trong khi doanh nghiệp còn chịu rủi ro, nếu không bán được hoặc giá thị trường sụt giảm, doanh nghiệp sẽ chịu lỗ cho dù được hỗ trợ lãi suất trong thời gian tạm trữ.
Trước một số ý kiến thắc mắc, tại sao doanh nghiệp thu mua qua thương lái mà không thu mua trực tiếp của nông dân, đại diện một số doanh nghiệp các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ… đều cho rằng, làm như vậy chi phí phát sinh sẽ cao hơn hẳn bởi nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long hầu hết bán lúa tại ruộng, trong khi mạng lưới của doanh nghiệp không thể rộng khắp các vùng. Đặc biệt, do thương lái là người địa phương, nắm rõ lượng lúa trong từng hộ sản xuất, giao thông thuận tiện, sử dụng lao động dôi dư trong gia đình nên chi phí thấp. Nếu doanh nghiệp trực tiếp cử người đi mua, chi phí cho nhân công, phương tiện vận chuyển đều cao hơn, và từ đó giá thành gạo xuất khẩu sẽ rất cao.
Riêng trong vụ đông xuân 2012-2013, từ ngày 20/2 đến hết ngày 31/3, các doanh nghiệp hội viên của VFA đã hoàn thành việc mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo. Giá lúa gạo trong suốt thời gian tạm trữ mặc dù có lúc dao động nhưng tăng bình quân 100-150 đồng/kg so với thời gian trước khi mua tạm trữ. Giá lúa tại kho, bình quân trong thời gian mua tạm trữ, loại hạt dài là 5.439 đồng/kg, loại thường là 5.252 đồng/kg (giá thành công bố 3.616 đồng/kg). Các doanh nghiệp đều cho rằng, trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn, giá thấp, để giữ được giá ổn định như vậy đã là một nỗ lực không nhỏ.
Liên Phương