Dư luận cho rằng cần xem xét lại việc cấp giấy phép vào phố cấm 24/24h đối với các phương tiện này, trường hợp nào cấp phép không hợp lý phải kiên quyết thu hồi.
Xe hợp đồng đón khách trên phố Hàn Thuyên. Ảnh: Đăng Sơn/Báo Tin Tức |
"Khủng long" vào phố cổ 14 giờ 30 phút ngày 16/5, trên một đoạn ngắn của phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm), một đoàn khoảng chục chiếc xe khách hợp đồng du lịch cỡ lớn 45 chỗ lừng lững nối đuôi nhau "lách" vào phố Hồ Hoàn Kiếm, chạy xuyên ra phố Cầu Gỗ. Những chiếc xe nặng nề lắc lư "bò từng mét" vào con phố nhỏ khiến người tham giao giao thông phải nép sát vào hai bên đường.
Cách đó không xa, hàng loạt xe hợp đồng cỡ lớn chở được tới 45 khách chạy dọc phố Trần Quang Khải rẽ vào nút giao thông Lò Sũ, Hàng Tre, Hàng Vôi. Một chiếc đi sau đỗ xịch trước đèn tín hiệu giao thông ở phố Lò Sũ.
Trong khoảng ngắn thời gian, chiếc xe "khủng" chiếm quá nửa mặt đường phố Lò Sũ khiến các phương tiện ô tô, xe máy đi qua khu vực này ùn ứ, tắc nghẽn giao thông cục bộ từ cả hai phía. Do khuất tầm nhìn, một chiếc xe máy chở hai người phụ nữ đứng tuổi theo sau chiếc xe khách hợp đồng lưu thông ra hướng Lò Sũ đã va chạm giao thông với một người chiếc xe máy đi ngược chiều rẽ ra phố Nguyễn Hữu Huân. Rất may không có thương tích cho cả hai bên.
Hai khu vực trên chỉ là số ít trong các tuyến phố, đặc biệt là phố cổ, trung tâm giải trí, khu tâm linh ở nội đô Hà Nội đang ngày đêm "chứng kiến" những chiếc xe khách hợp đồng du lịch hoạt động. Theo phản ánh của người dân sinh sống tại các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, thời gian qua, việc các loại xe hợp đồng từ 30 - 45 chỗ liên tục lưu thông vào tận trong những tuyến đường nhỏ chật hẹp đã khiến giao thông nội đô chịu áp lực nặng nề và lộ rõ những nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Văn Hùng (70 tuổi) người dân ở phố Cầu Gỗ (Hoàn Kiếm) phản ánh, ngay tại các tuyến đường chạy dọc hồ Hoàn Kiếm, liên tục có xe hợp đồng cỡ lớn dừng đỗ để đón các đoàn khách từ các khách sạn, khiến cho cả tuyến đường vào các giờ cao điểm trở nên ùn tắc kéo dài, gây ảnh hưởng đến giao thông nội đô.
"Nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, từ đầu năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã có quy định hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ và loại phương tiện giao thông tại một số khu vực, tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giờ cao điểm, thậm chí vừa qua, thành phố còn cấm xe taxi hoạt động tại cả một số khu vực nội thành. Thế nhưng tại sao lại cho phép những chiếc xe chở khách to như “khủng long” đi vào tận trong phố cổ. Những chiếc xe này vừa chiếm hết diện tích đường, vừa gây nguy hiểm cho các phương tiện và người đi bộ”, ông Hùng bức xúc nói.
Ông Trịnh Hải, một người dân ở phố Hàng Khay (Hoàn Kiếm), thẳng thắn chia sẻ xe chở khách du lịch đang trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông tại Thủ đô. “Ở nước ngoài, du khách phải đi bộ hàng cây số để đến được các điểm tham quan. Còn ở Việt Nam, các xe chở khách du lịch ngang nhiên tiến thẳng đến bờ hồ Gươm, cửa các trung tâm giải trí, khu tâm linh... Trong khi đó, họ có nhiều sự lựa chọn với các loại phương tiện như xe điện - loại hình du lịch xanh ở phố cổ. Đây là điều không thể chấp nhận được”, ông Hải nói.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (46 tuổi) một người dân ở ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên cho biết: Không chỉ tại khu vực phố cổ, xe khách hợp đồng du lịch đang là nỗi ám ảnh với những người tham gia giao thông tại khu vực đường Lê Duẩn giao với Khâm Thiên. "Đây vốn được coi là “điểm đen” vào mỗi chiều tan tầm, việc xuất hiện các loại xe hợp đồng luồn lách, chen vào phố ở thời điểm này càng khiến đoạn đường thêm chật, ùn tắc bởi lượng phương tiện đông đúc. Hôm nào gặp phải mấy xe ô tô chở khách đi vào đây nữa thì xác định phải mất đến nửa tiếng chỉ để đi hết quãng đường khoảng 500 mét”, chị Nguyễn Thị Tuyết phàn nàn.
Cần xét lại việc cấp giấy phép
Theo tìm hiểu, không chỉ người dân, ngay cả lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cũng khá vất vả trước sự hoạt động với cường độ dày đặc của xe chở khách cỡ lớn. Theo thông tin từ Đội Cảnh sát giao thông số 1, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an Hà Nội: Trên địa bàn của đơn vị quản lý có nhiều tuyến phố cổ, lòng đường rất chật hẹp. Do là nơi tập trung nhiều danh lam thắng cảnh, các trung tâm thương mại lớn, trung tâm vui chơi giải trí nổi tiếng, nên việc các phương tiện 45 chỗ là xe hợp đồng chở khách du lịch tập trung nhiều đã, đang gây áp lực rất lớn đến giao thông tại khu vực. Thực tế kiểm tra cho thấy, đa phần các phương tiện xe hợp đồng 45 chỗ được cấp phép 24/24 giờ. Trường hợp các phương tiện này dừng đỗ chỉ cần 5-10 giây là đã cản trở giao thông, ảnh hưởng đến phương tiện khác.
Theo Đội Cảnh sát giao thông số 1, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn trong các giờ cao điểm, trước mắt cơ quan chức năng nên nghiên cứu không cho phương tiện ô tô du lịch loại 45 chỗ lưu thông vào phố cổ. Nếu các phương tiện ô-tô du lịch loại 45 chỗ chở khách quốc tế, khách các tỉnh có nhu cầu về tham quan địa bàn phố cổ, đơn vị sẽ sắp xếp các phương tiện này dừng, đỗ trên các tuyến phố rộng, có chỗ dừng, đỗ như phố: Trần Quang Khải, Lý Thường Kiệt. Từ đây, sử dụng các phương tiện xe điện, xích lô đưa khách quốc tế, khách các tỉnh vào khu phố cổ tham quan sẽ giảm được tình trạng ùn ứ giao thông.
Trao đổi với đại diện Đội Cảnh sát giao thông số 4 (PC67), Công an Hà Nội cũng nhận được ý kiến: Trên địa bàn có một số trung tâm, khu danh lam thắng cảnh nên thường xuyên có phương tiện du lịch đưa khách, học sinh các tỉnh đi tham quan qua địa bàn. Việc nhiều phương tiện loại 45 chỗ thường xuyên lưu thông tới các địa điểm này không chỉ gây ùn ứ giao thông cho các tuyến đường trên địa bàn đội quản lý mà còn ảnh hưởng đến các tuyến đường khác mà xe đi qua. Bởi vậy, cần phải khảo sát kỹ lưỡng để sắp xếp các phương tiện một cách hợp lý, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, nhất là vào các giờ cao điểm.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng PC67 Công an thành phố Hà Nội thẳng thắn chỉ rõ xe chở khách du lịch đang trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông tại Thủ đô. Theo người đứng đầu lực lượng cảnh sát giao thông Thủ đô, để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần xem xét lại việc cấp giấy phép vào phố cấm 24/24h, nếu đơn vị, cơ quan nào cấp phép không hợp lý cần phải kiên quyết thu hồi; không thể để tình trạng xe chở khách hợp đồng du lịch ngang nhiên hoạt động gây ảnh hưởng đến giao thông của Thủ đô.
Trong động thái liên quan từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết: Trước tình trạng xe hợp đồng trá hình lộng hành gây khó khăn cho xe hoạt động trong bến làm rối loạn thị trường vận tải hành khách, thời gian tới Sở sẽ đưa loại xe từ 8 chỗ trở lên vào diện bắt buộc phải thông báo tới cơ quan nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi, ngăn chặn xe hợp đồng lách luật.