Từ đầu năm đến cuối tháng 9/2019, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 25 vụ sụt lún sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch thuộc sáu huyện thị xã, thành phố như An Phú, Tân Châu, Chợ Mới, Châu Phú, Long Xuyên, Thoại Sơn. Tổng chiều dài sạt lở gần 1.600 m, làm mất gần 9.200 m2 đất, ảnh hưởng đến 104 căn nhà. Ước tính thiệt hại do sụt lún sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch khoảng 29,3 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết: Tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh nếu tính riêng về số vụ thì không tăng nhưng mức độ từng vụ sạt lở thì mang tính nghiêm trọng hơn, phạm vi rộng hơn, khó khắc phục để tránh sạt tiếp. Một số nơi sạt lở nhiều lần, sạt lở không chỉ xảy ra ở các sông kênh lớn mà còn ở kênh rạch nhỏ hơn.
Thời gian sạt lở hiện tại không theo chu kỳ mà diễn ra trong hầu hết các tháng của năm với tốc độ nhanh hơn. Một số vị trí mới phát sinh không nằm trong phạm vi cảnh báo như ba đoạn sụt lún, rạn nứt tại xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) và xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn).
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã đo đạc địa hình, kết hợp với các số liệu thủy văn nhằm đánh giá, dự báo tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh. Kết quả quan trắc đợt I năm 2019 triển khai vào tháng 7/2019 cho thấy, tỉnh An Giang có tổng số 52 đoạn sông nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài gần 170.000 m, tăng gần 7.700 m so với kỳ trước năm 2018. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cảnh báo sáu đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 41 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 5 đoạn ở mức độ trung bình.
Sáu đoạn sông được cảnh báo nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm gồm: đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) dài 6.900 m, trong đó nguy cơ sạt lở mạnh thuộc hai ấp Vĩnh Tường 1 và Vĩnh Lợi 2, dài 4.400 m; đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) dài 1.900 m, kéo dài từ Vàm Kênh Cây Dương đến Bến phà Năng Gù, trong đó trọng yếu tại khu vực Trường Tiểu học A Bình Mỹ. Tại thành phố Long Xuyên có hai điểm được cảnh báo gồm: đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng dài 3.300 m và đoạn sông Hậu chảy qua các phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình dài 4.300 m. Đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An, huyện Phú Tân dài 3.100 m và đoạn sông Hậu, sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới, từ xã Kiến An đến chợ xã Mỹ Hội Đông dài 3.600 m.
Đối với 6 đoạn sông được cảnh báo sạt lở đặc biệt nguy hiểm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, UBND tỉnh cần có chỉ đạo, chủ động đề ra các giải pháp ứng phó. Bởi việc quan trắc cảnh báo sạt lở của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chỉ là cách làm chủ động nhằm phòng tránh sạt lở, các giải pháp kỹ thuật quan trắc đơn giản, dự báo cục bộ.
Ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết: Với tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn bất thường kết hợp với lũ về muộn và rút nhanh, dự báo trong ba tháng cuối năm 2019 khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở trên địa bàn tỉnh được cảnh báo là rất cao, nhất là các đoạn sông đang diễn ra quá trình sạt lở.
Để chủ động phòng tránh, ngăn ngừa và hạn chế sạt lở trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục theo dõi, quan trắc sạt lở đợt 2 và quan trắc đột xuất, kịp thời thông báo, cảnh báo tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh để chính quyền địa phương, người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra Sở cũng đẩy nhanh hoàn thành Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình đáy sông để làm cơ sở cảnh báo sạt lở trong thời gian tới.
Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, UBND tỉnh An Giang cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện và cấp xã tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác cảnh báo, phòng chống, khắc phục hậu quả sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đẩy nhanh việc khắc phục các đoạn sạt lở đã được UBND tỉnh phê duyệt; phối hợp với cơ quan nghiên cứu khoa học đề xuất giải pháp công trình, phi công trình ở những đoạn sông được cảnh báo mức độ nguy hiểm để chủ động hạn chế sạt lở…
UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu UBND cấp huyện, xã trên địa bàn bám sát dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn để thường xuyên tăng cường theo dõi, tuyên truyền, cảnh báo người dân, thông báo ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; có giải pháp bảo vệ đường bờ tại khu vực đoạn cua cong. Cùng với đó cắm biển báo cảnh báo khu vực sạt lở; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình trong khu vực cảnh báo sạt lở.