Liên tiếp xảy ra các vụ trẻ bị đuối nước thương tâm
Tai nạn ngạt nước hay đuối nước thường gặp ở nước ta do hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tai nạn đuối nước thường xảy ra vào mùa hè bởi mùa hè nóng nực, trẻ được nghỉ hè, hay tụ tập rủ nhau đi tắm biển, ao hồ, sông ngòi mà không có người lớn đi kèm. Bên cạnh đó, những gia đình có điều kiện, nghỉ hè thường cho con em đi tắm biển nhưng thiếu sự kèm cặp, giám sát trẻ cũng dễ xảy ra tai nạn đuối nước.
Qua ghi nhận thực tế, tuy mùa hè chỉ mới bắt đầu nhưng trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ. Cụ thể, ngày 27/5, trên địa bàn xã An Phước, tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra vụ đuối nước làm hai học sinh lớp 8 là anh em song sinh tử vong khi đi bắt cá và tắm ven bờ sông Cổ Chiên.
Tương tự, chiều ngày 28/5 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước làm 3 chị em ruột trong một gia đình tử vong khi đi tắm ở sông Bà Dư. Theo thống kê của Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh có 11 trẻ bị đuối nước, trong đó có 5 trường hợp trẻ dưới 6 tuổi, 6 trường hợp trẻ trên 6 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, trong tháng 4, đơn vị liên tục cấp cứu cho các trẻ bị ngạt nước, đuối nước, nhiều ca nguy kịch. Đây là dạng tai nạn rất phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là vào mùa hè.
Chẳng hạn trường hợp của một bé trai 4 tuổi (ngụ tỉnh Tiền Giang) bị đuối nước khi tắm ở hồ bơi. Sau khi phát hiện bé chìm ở hồ bơi, người thân đã vớt lên, tiến hành xốc nước, ấn tim thổi ngạt rồi chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Các bác sĩ đã xử trí đặt nội khí quản giúp thở, ấn tim… sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. May mắn, bệnh nhi đã được cấp cứu kịp thời.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Trong đó, nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao là từ 1 - 14 tuổi, thường sống ở vùng nông thôn điều kiện kinh tế khó khăn, hay các tỉnh miền núi, địa phương có nhiều sông suối, ao hồ. Đáng lo ngại, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước đứng hàng đầu thế giới, cao hơn nhiều nước trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Còn theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), trong 5 năm qua, số vụ tai nạn đuối nước chiếm tỷ lệ lớn chỉ sau sự cố, tai nạn liên quan đến cháy nổ. Nhưng số người thiệt mạng do đuối nước lớn hơn rất nhiều 8 loại hình sự cố tai nạn.
Đề phòng và sơ cấp cứu kịp thời
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ có thể xảy ra tại hồ bơi, ao hồ và ngay cả trong nhà với các vật dụng như xô, chậu. Khi trẻ đuối nước ngưng tim, phổi cần được hồi sức tim, phổi ngay tại hiện trường. Nếu tình trạng thiếu ôxy não kéo dài quá 4 phút, trẻ sẽ bị di chứng não nặng nề. Nếu kéo dài quá 10 phút, trẻ có thể nguy kịch đến tính mạng.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, đối với những nạn nhân bị tai nạn ngạt nước, việc sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật quan trọng nhất, quyết định sự sống còn hay di chứng não của nạn nhân. Tuy nhiên, phần lớn các nạn nhân bị ngạt nước khi đưa đến cấp cứu tại các bệnh viện không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách dẫn đến tử vong hoặc di chứng não do thiếu oxy.
Theo đó, khi phát hiện các trường hợp bị ngạt nước cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt nạn nhân lên. Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu nạn nhân bất tỉnh hãy kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân bằng chăn hay một tấm khăn khô. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.
Để phòng ngừa tai nạn đuối nước trẻ, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, phụ huynh không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà; không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông; không cho bệnh nhân động kinh bơi; nên hướng dẫn tập bơi cho trẻ.
Khi đi tắm hồ bơi, không cho trẻ nhỏ vào hồ bơi dành cho trẻ lớn, người lớn và luôn để mắt trông chừng trẻ, tốt nhất là cùng tắm chung với trẻ. Các nhân viên cứu hộ có nhiệm vụ theo dõi các trẻ tắm ở hồ bơi theo đúng qui định và được huấn luyện thành thạo kỹ thuật hồi sức tim phổi, cấp cứu ngưng thở ngưng tim tại hiện trường.
Bên cạnh đó, nhà trường lưu ý dặn dò học sinh cuối năm nghỉ hè về vấn đề đi bơi, hay chèo thuyền vùng sông nước rất nguy hiểm, không an toàn, cần có sự giám sát.