Rất nhiều người trong số họ đã liên tưởng đến một vài vụ cháy với số lượng nạn nhân thương vong cao như vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân với 56 người chết hay vụ cháy quán karaoke ở phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) khiến 3 cán bộ, chiến sĩ lực lượng phòng cháy, chữa cháy hy sinh...
Theo dõi vụ việc qua thông tin trên mạng xã hội cũng như trên báo chí, chị Trần Thị Na, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy bày tỏ lo lắng về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các nhà trọ nói chung cũng như tại khu chung cư nói riêng. Vụ cháy một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các nhà trọ.
Chị Trần Thị Na cho rằng, điều kiện để được đưa vào kinh doanh nhà trọ, công tác phòng cháy, chữa cháy phải đặt lên hàng đầu vì thiệt hại sau mỗi vụ cháy là rất nghiêm trọng. Chị đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng kiểm soát chặt vấn đề cấp phép cũng như xử phạt nghiêm trường hợp chủ nhà trọ không chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy khi kinh doanh hoạt động này.
Anh Lê Hải Nhân, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, tại các địa bàn tập trung đông người lao động và sinh viên, nhu cầu thuê trọ rất lớn. Để có được giá thuê hợp lý, họ phải tìm nhà trọ nằm trong các ngõ nhỏ. Nhu cầu ở là có thật, giá cả cũng quan trọng, song an toàn, an ninh cần phải đặt lên hàng đầu, nhất là trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Những vụ cháy gần đây thật đau xót, hy vọng công tác phòng cháy, chữa cháy sẽ được siết chặt hơn nữa.
Một số nhân chứng tại hiện trường cho biết, khu vực nhà trọ này được chủ nhà cho thuê từ vài năm nay. Người thuê chủ yếu là người đi làm cùng một số sinh viên. Mặc dù không phải là nhà cao tầng song do vụ cháy xảy ra vào nửa đêm, khi người dân đã ngủ say nên nhiều người thương vong nhiều do không kịp tỉnh giấc.
Theo chị Nguyễn Tuyết Vân, người dân sống gần hiện trường, trước đây chị đã từng vào trong ngõ này để tìm nhà trọ cho người thân, họ hàng. Tuy nhiên, khi vào xem các phòng trọ chị quyết định không thuê bởi thiếu an toàn.
Chị Vân cho biết, phòng rất nhỏ, bí, lối thoát hiểm không có. Hơn nữa, ngõ vào sâu, hẹp, nếu xảy ra cháy khả năng cứu chữa rất khó khăn. Chính vì vậy, mặc dù là giá nhà thuê ở đây chỉ khoảng 2,5 - 3 triệu đồng, thấp hơn so với mặt bằng chung nhưng chị vẫn quyết định không thuê để đảm bảo an toàn cho người thân.
"Các lực lượng chức năng cần kiểm tra thường xuyên, đột xuất về công tác phòng cháy, chữa cháy; thực hiện nghiêm túc, đảm bảo không để những chủ đầu tư nhà thuê trọ vì tiết kiệm tiền mà không trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt cần có hình thức phạt nặng để giảm thiểu những vụ việc đau lòng như trên", chị Nguyễn Tuyết Vân kiến nghị.
Đến trưa 24/5, hoạt động giao thông trong phố Trung Kính đã trở lại bình thường. Lực lượng chức năng đang có mặt tại hiện trường để làm công tác xử lý hậu quả, điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Trước đó, vào lúc 0 giờ 46 phút ngày 24/5, ngôi nhà tại số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) bốc cháy dữ dội. Chỉ trong ít phút, lửa bùng lên nhanh kèm nhiều tiếng nổ. Hiện trường nhanh chóng được phong tỏa phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.
Đến 0 giờ 52 phút cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận hiện trường, triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan cùng các mũi trinh sát tìm kiếm, cứu người bị nạn. Thời điểm này đám cháy đã phát triển mạnh thiêu rụi nhiều xe máy, xe đạp điện, xe đạp tại khu vực sân, khói và khí độc bao trùm toàn bộ khu vực cháy.
Các lực lượng tổ chức phá khóa cổng chính, phá ô cửa sổ tiếp cận vào bên trong ngôi nhà và cứu được 7 người mắc kẹt, đưa người bị thương đi cấp cứu. Đến 1 giờ 26 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Qua tìm kiếm, sơ bộ các lực lượng phát hiện 14 người tử vong.
Nguyên nhân ban đầu được cho là có thể xuất phát từ chập, cháy xe đạp điện. Ngôi nhà xảy ra cháy nằm sâu trong ngõ nhỏ, cách mặt đường Trung Kính khoảng 200m.