Theo thống kê, toàn tỉnh có 305 con gia súc bị chết rét; trong đó chủ yếu là trâu, số ít còn lại gồm bò, ngựa và dê. Gia súc chết rét tập trung ở các xã vùng cao thuộc các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Hà Quảng, Bảo Lạc, Quảng Hòa. Huyện Trùng Khánh có số gia súc bị chết nhiều nhất với 101 con (89 con trâu, 12 bò và dê). Số gia súc bị chết rét chủ yếu là trâu, bò già và nghé non, do sức đề kháng, chống chịu rét kém.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương có thiệt hại đã chỉ đạo UBND cấp xã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại; thống kê tình hình thiệt hại theo quy định.
Ngày 30/1, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Công văn số 195/UBND-KT gửi các ngành và UBND các huyện, thành phố về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại kéo dài. Trong công văn nhận định, rét đậm có khả năng còn kéo dài nhiều ngày, vì vậy UBND các huyện, thành phố cần tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh nhất là sản xuất nông nghiệp. Chủ động bố trí ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ khác để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến rét đậm, rét hại; chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả; báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Trước đó, ngày 8/1/2024 UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản gửi các sở, ngành, địa phương về tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống rét cho trên 220.000 con trâu bò; gần 335.000 con lợn và trên 2,8 triệu con gia cầm trên địa bàn tỉnh.