Trong đó, mức độ nhẹ, xử trí và cho về trong ngày là 3.417 trường hợp. 2.906 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị nội trú; 492 trường hợp chuyển tuyến trên.
Trong 5 ngày nghỉ lễ, 52 trường hợp bị nạn giao thông đã tử vong tại bệnh viện, tử vong trước khi đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê thông tin.
Số liệu thống kê từ 40 sở y tế và một số bệnh viện Trung ương cũng cho biết, tổng số có 273.876 trường hợp đến khám, cấp cứu do các nguyên nhân. Trong đó, 67.796 trường hợp nhập viện điều trị nội trú; 7.730 ca phẫu thuật loại 3 trở lên. 5 ngày nghỉ lễ đã có gần 3.700 bệnh nhân chuyển tuyến; 56.622 bệnh nhân được ra viện. Các cơ sở y tế đã mổ đẻ, đỡ đẻ chào đón 5.413 trẻ sơ sinh.
Số trường hợp tử vong tại bệnh viện, trước khi đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về là 271 trường hợp.
Báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho hay, trong đợt nghỉ lễ này Sở Y tế Thành phố Cần Thơ đã huy động các cơ sở y tế trên địa bàn tham gia cấp cứu thảm hoạ, tai nạn hàng loạt sự cố rò rỉ khí ga làm lạnh NH3 trong khu vực nhà xưởng của Công ty SeaVina (Khu Công nghiệp Trà Nóc, Thành phố Cần Thơ) làm 25 công nhân bị ngộ độc.
Ngay sau sự cố xảy ra, 3 nạn nhân nhập viện Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, hiện sức khỏe công nhân đã ổn. 9 ca cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ; 16 ca (3 ca chuyển từ tuyến trước) cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, trong đó có 2 ca rất nặng (phù phổi cấp, tổn thương phổi) đang được đặt nội khí quản thở máy, sau đó chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện 4 bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện. Các bệnh nhân còn lại đã ổn định ra viện.
Trước đó, để bảo đảm công tác y tế trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã ban hành Công văn yêu cầu các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố cả nước; Y tế các Bộ, ngành thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.
Các cơ sở y tế tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa, các cơ sở y tế cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh/người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác...