Video Cầu Long Biên xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được sửa chữa lớn:
Theo ghi nhận của phóng viên, cầu Long Biên mặc dù chỉ cho phép xe gắn máy, xe thô sơ lưu thông, nhưng vào giờ cao điểm hàng ngày, vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ vì lưu lượng xe qua lại khá lớn; chưa kể nếu vắng bóng lực lượng cảnh sát giao thông chốt trực tại 2 đầu cầu, không ít xe 3 bánh chở quá khổ, quá tải vẫn lén lút đi qua.
Với "tuổi đời" hơn 120 năm trường tồn cùng thời gian, đến nay cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, dù đã được đại tu, sửa chữa nhiều lần.
Hiện tại, dù lan can phía đường bộ mới vừa được sơn sửa lại, khá sáng sủa, nhưng bằng mắt thường vẫn có thể nhìn thấy nhiều vị trí thép như tấm vải rách lỗ chỗ; nhiều mối nối khung dầm thép chỉ mang tính gia cố tạm thời, vá víu, han rỉ; lan can cầu phía đường sắt bị hao mòn tiết diện, cong vênh do đã nhiều lần va đập với các phương tiện đâm xô; mặt cầu bị bong tróc, lộ cả tấm đan bên dưới, tạo thành các "ổ gà"; mặt đường lồi lõm khiến các phương tiện đi lại khó khăn...
Theo ông Tô Đình Lãng, cán bộ Phòng Kỹ thuật an toàn (Công ty CP Đường sắt Hà Hải - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR), cầu Long Biên đã khai thác được 121 năm, đến thời điểm này, các kết cấu thép đã mòn rỉ, các nút giữa dầm dọc và dầm ngang đường sắt, sơn bề mặt kết cấu bị bạc màu. Đặc biệt, ngày 28/5 vừa qua, đã xảy ra vụ sập tấm đan, tạo thành lỗ thủng lớn trên mặt đường, mặc dù đơn vị khắc phục, thay thế tấm đan kịp thời, nhưng cho thấy, mặt cầu đã bị xuống cấp.
Công ty CP Đường sắt Hà Hải đã tiến hành kiểm tra, đánh dấu các vị trí xung yếu, lập khối lượng sơ bộ để kiến nghị cấp có thẩm quyền duyệt bổ sung kinh phí để thực hiện dần trong 6 tháng cuối năm 2022.
Trong khi chờ sửa chữa lớn, đơn vị đề xuất thay thế 850 tấm đan; vá khoảng 1.200m2 mặt đường xe máy và xe thô sơ; gia cố 750 vị trí tấm đan bị vỡ bằng thép góc; gia cố 15 dầm dọc...
Theo tìm hiểu của phóng viên, Bộ GTVT đã đưa việc sửa chữa cầu Long Biên vào kế hoạch vốn năm 2022 (ngoài vốn bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên) gồm: Kiểm định toàn bộ phần đường bộ và kinh phí sửa chữa đường bộ hành.
Theo Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) Vũ Quang Khôi, năm 2016, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư, sửa chữa cầu Long Biên tại dự án “Khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1: Gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025”, với tổng mức đầu tư hơn 256 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu của dự án là sửa chữa các hư hỏng lớn của kết cấu để duy trì trạng thái kỹ thuật công trình, đảm bảo an toàn khai thác vận tải đường sắt trong thời gian chờ cầu riêng cho đường sắt được xây dựng mới theo tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Vì vậy, phần đường bộ chưa được đầu tư nhiều, tình trạng xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cầu Long Biên không chỉ có vấn đề giao thông đường bộ, mà còn vấn đề an toàn giao thông đường thủy. Các trụ cầu hiện đã yếu, nếu các phương tiện thủy va phải thì nguy cơ mất an toàn đường sắt, đường bộ lớn. Cục Đường sắt Việt Nam đã giao VNR kiểm định tổng thể cầu trước khi đề xuất giải pháp xử lý lâu dài, trong đó lập dự án sửa chữa đồng bộ để báo cáo Bộ GTVT bố trí nguồn vốn thực hiện.
Còn đại diện VNR cho hay, để đảm bảo an toàn, giảm rung lắc khi tàu đi qua cầu Long Biên, từ đầu năm 2022, VNR đã phải giảm tốc độ chạy tàu từ 25 km/giờ xuống còn 15 km/giờ.
Ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) cho biết, về giải pháp ngắn hạn, Bộ sẽ ưu tiên cấp thêm kinh phí để sửa chữa những đoạn hư hỏng trong phần dành cho đường bộ tại cầu Long Biên. Tuy nhiên về lâu dài, phải có kế hoạch sửa chữa tổng thể.
Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam đã trình Bộ GTVT dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt từ năm 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong quy hoạch này, Cục Đường sắt Việt Nam nêu phương án không sử dụng cầu Long Biên để kết nối đường sắt quốc gia, xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội theo hướng Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng.