Công an thành phố Hà Nội tham gia dọn cành, lá cây sau bão. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN |
Môi trường sống bị xâm hạiGhi nhận sau trận bão số 1 vừa qua, hầu hết các tuyến phố, quận huyện đều có cây xanh bị gãy, đổ. Nhiều nhất là ở địa bàn quận Hà Đông, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và Đống Đa.
Người xưa nói "có sâu rễ mới bền gốc". Nhưng thực tế, ở Hà Nội, hiện nay, môi trường sống của cây xanh đang bị xâm hại nghiêm trọng. Do phát triển đô thị, hạ ngầm các công trình, nên diện tích đất dành cho trồng cây ở Hà Nội đã bị thu hẹp. Rễ cây bị hạn chế cắm sâu mà chỉ cắm ngang vào đất. Tuy nhiên, khi phát triển ngang, rễ cây cũng bị chặt đứt trong quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho cây xanh dễ bị đổ khi có tác động của các đợt gió và lốc xoáy. Ngoài ra, mực nước ngầm của Hà Nội đang bị ô nhiễm, khiến cho hệ thống rễ cây khó phát triển theo chiều sâu.
Bộ rễ là vậy. Khi cây sống trưởng thành, phía gốc cây cũng bị người dân Thủ đô xâm hại bằng nhiều cách như đổ nước sôi, đổ dầu luyn, lên gốc vì "can tội" nằm chắn ngang mặt tiền, cửa hàng kinh doanh. Như trên đường Lò Đúc, trước cửa ngôi nhà số 43, gốc một cây sao đen có tuổi đời gần 100 năm, luôn phải đeo thêm một "khối u", do mỗi ngày, người dân đặt bếp than tổ ong đun nấu bên cạnh. Một nửa thân cây luôn ở tình trạng cháy xém, chết hết phần vỏ.
Khi cây xanh bị đổ, gãy đã không ít người dân Thủ đô tỏ ra xót xa, tiếc nuối. Song, có một thực tế mà nhiều người biết, đó là việc xây dựng những ngôi nhà cao tầng, khiến không gian sống của cây xanh đường phố bị thu hẹp. Khi đó, cây thường có xu hướng nghiêng ra phía mặt đường để lấy ánh sáng. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng cây bị nghiêng, mất cân bằng giữa tán cây và hệ thống rễ khiến cây gãy đổ khi có mưa bão.
Chưa hết, người ta còn đóng đinh, treo biển quảng cáo, hay chằng những dây đèn trang trí, dây cáp viễn thông vào quanh thân, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây.
Còn tùy tiện trong cách trồngMục tiêu chung đến năm 2020, Hà Nội sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong công tác tổ chức, quản lý cây xanh trên địa bàn 12 quận nội thành; trong đó, có việc trồng 1 triệu cây xanh. Để thực hiện được mục tiêu này, Hà Nội đã tham vấn các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn về chủng loại cây đô thị trồng trên địa bàn thành phố để lựa chọn các giống cây như Muồng Hoàng Yến; Phượng; Bằng Lăng nước; Hoàng Lan; Ngọc Lan trắng; Sếu; Sấu, Sao đen; Trẹo; Long não; Lát hoa; Vàng Anh; Muồng nhạt; Giáng Hương; Nhội và Sưa trắng.
Đi kèm với mục tiêu này, Hà Nội đưa ra các giải pháp; trong đó, có việc xã hội hóa việc trồng cây xanh và dùng tiền ngân sách để trồng chăm sóc, duy tu hệ thống cây xanh, công viên thảm cỏ.
Việc xã hội hóa trồng cây cũng được nhiều đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng. Họ mua cây, rồi trồng, sau khi cây sống sẽ bàn giao cho Công ty TNHH MTV công viên cây xanh thành phố quản lý, chăm sóc tiếp. Chính việc các "mạnh thường quân" được chủ động chọn chủng loại cây đến cách thức trồng, dẫn đến cách làm tùy tiện của một số doanh nghiệp. Thế mới xảy ra chuyện, khiến dư luận Thủ đô cũng như cả nước khó quên về vụ việc cây Vàng tâm hay cây Mỡ được trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh.
Thêm nữa, ở một số khu chung cư, đô thị, ban quản trị hoặc chủ đầu tư cũng mua cây về trồng theo cách riêng của họ. Do không có sự đồng nhất về mặt quy cách, đến việc giám sát, hậu kiểm, mới có chuyện khi mưa bão cây bật gốc, lộ rõ bầu của cây còn quấn nilon, bao lưới...
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhằm thống nhất việc trồng cây trên địa bàn thành phố, cơ quan này đã ban hành quy trình trồng cây xanh; đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để xây dựng danh mục các loại cây phù hợp nhất với thổ nhưỡng và khí hậu của Hà Nội.
Việc trồng cây xanh ở Hà Nội rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, cần được thực hiện một cách khoa học, có trách nhiệm nhằm phát huy tốt giá trị bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng cây bị sâu mục, gãy đổ, mỗi khi xảy ra bão, gió gây ra thiệt hại về người và của cho Thủ đô.