Hành khách đợi tàu tại Ga Nha Trang do các chuyến tàu bị hủy hoặc chậm do ảnh hưởng của bão số 12. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN |
Sau khi kiểm tra hiện trường và nghe báo cáo của Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 12, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh thống nhất phương án thi công cứu chữa khắc phục giai đoạn 1 bước 1. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung nhân lực vật lực, hoàn thành sửa chữa giai đoạn 1 bước 1, trả tốc độ 5 km/h đối với đoạn tuyến tại Km 1226+780 – Km 1226+825, tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh chậm nhất trong ngày 15/11 tới.
Công nhân VNR đang khẩn trương thi công hệ dầm chống bằng dầm bó ray. |
Để đạt được mục tiêu tiến độ đề ra, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh cũng yêu cầu Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 12 của Tổng công ty tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, vận dụng mọi nguồn lực vật tư, máy móc thiết bị và nhân lực để tập trung cứu chữa; chú trọng giám sát thi công để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ thi công và an toàn lao động. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị máy móc, vật tư nhân lực để triển khai khắc phục giai đoạn 1 bước 2 ngay sau khi trả tốc độ 5 km/h...
“Yêu cầu Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với các Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh, Nghĩa Bình: tập trung vật tư, trang thiết bị; xây dựng phương án tổ chức thi công hợp lý, phân công cụ thể theo từng hạng mục công việc độc lập để đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là thi công dỡ đá và xếp rọ đá. Tập trung hoàn thành thi công hệ dầm chống bằng dầm bó ray trong ngày 11/11/2017”, ông Vũ Anh Minh chỉ đạo.
Ông Vũ Anh Minh cũng yêu cầu đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế hệ dầm chống bằng dầm bó ray trong phương án sửa chữa giai đoạn 1 bước 1; trong đó lưu ý tính toán đảm bảo cường độ của hệ dầm chống; phương án kê đỡ, liên kết ngang để đảm bảo tính ổn định, chống biến dạng… trong quá trình thi công, khai thác. Phối hợp với tư vấn giám sát theo dõi và kiểm soát chặt chẽ các biến dạng, chuyển vị của công trình trong quá trình thi công để có giải pháp xử lý kịp thời, đảm bảo công trình hoạt động an toàn.
Bên cạnh đó, ông Minh giao Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai Tổng công ty tham mưu Báo cáo Bộ Giao thông vận tải để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn cho công tác cứu chữa khắc phục hậu quả bão lũ từ đầu năm 2017 đến nay.
Trước đó, do hậu quả bão số 12, đường sắt Bắc – Nam qua khu vực Đèo Cả bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, tại km 1226+780 khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh bị sụt trượt nặng taluy âm về phía biển, khiến xói đá nền đường, sát vào thanh ray, uy hiếp an toàn chạy tàu, phải phong tỏa để sửa chữa.
Với quyết tâm thông tàu trong thời gian sớm nhất, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị tập trung vật tư, thiết bị, huy động hàng trăm công nhân tham tham gia thi công cứu chữa. Tuy nhiên, do địa hình thi công gặp nhiều khó khăn, một bên là vách núi, một bên là biển, đường sắt cheo leo ở độ cao 30 m so với mực nước biển, phương tiện duy nhất có thể tiếp cận là đường sắt nên phải lập tàu công trình vận chuyển vật tư, nhân lực đến địa điểm thi công. Mặt khác, do địa hình hẹp, không thể đưa máy móc thi công cơ giới vào sử dụng nên công nhân vận chuyển vật tư phải thi công hoàn toàn thủ công… nên không thể thông tàu theo kế hoạch dự kiến trước đó là vào hôm nay 9/11.
Trong thời gian chờ khắc phục, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, ngành đường sắt vẫn duy trì tổ chức chạy tàu hàng ngày, hành khách sẽ được chuyển tải bằng ô tô giữa 2 ga Giã – Tuy Hòa và ngược lại.