Cụ thể là tăng cường quản lý các hoạt động khai thác cát, sử dụng vùng đất bán ngập, cư trú bất hợp pháp trong khu vực lòng hồ... nhằm bảo đảm an toàn hồ chứa, môi trường và quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên.
Một tàu hút cát trong hồ Dầu Tiếng. |
Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh tạm
dừng hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng. Đồng thời, tổ chức
kiểm tra, phát hiện và chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật về khai
thác cát xây dựng tại đây.
Các tỉnh tiến hành phối hợp rà soát, đánh giá, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các bến bãi tập kết vật liệu, cát xây dựng trong lòng hồ thuộc địa bàn tỉnh quản lý. Quy hoạch phải bảo đảm an toàn hồ chứa, môi trường nước trong lòng hồ và quản lý được nguồn tài nguyên.
Công văn cũng yêu cầu các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa. Đặc biệt là việc quản lý, khai thác vùng đất bán ngập, giải quyết các hộ dân cư trú bất hợp pháp trong khu vực lòng hồ.
Mọi công việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm kể trên, các địa phương phải báo cáo kết quả về trước ngày 30/5, theo yêu cầu Bộ Nông Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa là công trình thủy nông lớn nhất vùng Đông Nam Á. Hồ có dung tích chứa khoảng 1,58 tỷ m3 nước, diện tích mặt nước đạt 2.700 km2 nằm trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Trong đó, phần lớn thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh quản lý.
Nhiệm vụ chính của hồ là tưới trực tiếp cho trên 100.000 ha đất đất nông nghiệp cho 3 tỉnh Tây Ninh, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) và Long An; đồng thời cũng là nguồn nước phục vụ chính cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp của các tỉnh lân cận, trong đó chủ yếu là cho Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, do công tác phối hợp giữa các địa phương, đơn vị trong việc quản lý hồ Dầu Tiếng trong thời gian qua chưa chặt chẽ, để xảy ra tình trạng lộn xộn trong hoạt động khai thác nguồn tài nguyên (chủ yếu là cát xây dựng) như mua bán, sang nhượng giấy phép khai thác, khai thác quá mức thiết kế, không xuất hóa đơn chứng từ, trốn thuế... gây thất thoát rất lớn nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Cạnh đó, hàng trăm ngàn ha đất vùng bán ngập (nằm trong lòng hồ Dầu Tiếng) cũng bị bao chiếm để trồng rừng, sản xuất nông nghiệp trái phép chưa được xử lý triệt để, người dân cư trú bất hợp pháp trong phạm vi lòng hồ ngày càng nhiều...gây mất an ninh trật tự và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Để chấn chỉnh lại các hoạt động kể trên, ngày 20/4 vừa qua UBND tỉnh Tây Ninh đã Quyết định tạm dừng hoạt động của 11 doanh nghiệp tỉnh đã cấp phép khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng để phục vụ công tác kiểm tra; trong đó, tập trung xử lý các vi phạm các quy định về trữ lượng khai thác, nghĩa vụ tài chính, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn hồ đập...