Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cả 2 bố mẹ đều làm nghề nông, cuộc sống của chàng thanh niên Trần Thế Đạt (sinh năm 1989, ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) trôi đi bình lặng, yên ả như vùng quê ngoại ô “chôn nhau cắt rốn” của Đạt.
Năm 2006, khi đang là học sinh lớp 11, bất ngờ Đạt bị mắc một căn bệnh hiểm nghèo mất đi hoàn toàn thị lực của đôi mắt. Cuộc đời của Đạt tưởng chừng bị “tuột dốc” kể từ đó, nhưng không ngờ, bằng nghị lực phi thường, vượt khó vươn lên của mình, Đạt đã thể hiện được ý chí phấn đấu “mắt dẫu mất, không mờ lý trí” như lời bài hát truyền thống từ nhiều năm nay được nhiều người khiếm thị coi như ngọn đuốc soi sáng con đường đi đầy chông gai trong cuộc đời mình.
Trong suốt ba năm kể từ khi mất ánh sáng của đôi mắt, Đạt suốt ngày chỉ lủi thủi trong phòng với sự mặc cảm và tự ti của bản thân. Không dám đi ra ngoài, không dám gặp bất kì ai kể cả hàng xóm sang chơi cũng không muốn ra gặp, Đạt tự cô lập mình với cuộc sống cộng đồng xã hội. Nhưng rồi theo thời gian cùng với sự động viên của bố mẹ, hai chị gái và bạn bè, Đạt cũng nguôi ngoai dần. Cậu đã bắt đầu lần mò làm những công việc lặt vặt trong nhà để giúp đỡ bố mẹ như: Nấu cơm, quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo….
Đầu năm 2009, Đạt tham gia vào hoạt động tại Hội Người mù huyện Thanh Trì (Hà Nội). Đây chính là điểm đánh dấu bước ngoặt tươi sáng trong cuộc đời tưởng chừng như đã bị nhấn chìm trong bóng tối của Đạt. Lần đầu đến sinh hoạt tại Hội Người mù huyện Thanh Trì, được gặp Chủ tịch Hội là anh Lê Tự Lập, được thấy anh Lập tuy mắt không nhìn được nhưng anh lại có thể sử dụng thành thạo máy vi tính, nói được tiếng Anh khá rõ ràng... khiến tư duy của Đạt về bệnh tật của mình từng bước thay đổi. Từ ngạc nhiên, tò mò, Đạt dần cảm nhận thấy có một niềm tin, một hy vọng, một mục tiêu phấn đấu để cậu hướng tới.
Đạt khởi đầu sự cố gắng nỗ lực của mình từ việc học chữ nổi Braille và làm quen với máy vi tính. Khi đã sử dụng thành thạo chữ nổi Braille, cậu quyết tâm đi học trở lại. Vượt qua những khó khăn và mặc cảm tự ti, tháng 9/2009, Đạt làm đơn xin vào trường PTTH Nguyễn Văn Tố ở 47 Hàng Quạt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để tiếp tục theo học PTTH. Hằng ngày, Đạt nhờ người thân chở đến bến xe buýt rồi tự Đạt bắt xe buýt đến trường. Những ngày tháng vất vả, khó khăn, nhọc nhằn ấy cuối cùng cũng đã được đền đáp bằng tấm bằng tốt nghiệp PTTH của Đạt mang về khoe với bố mẹ.
Với niềm đam mê tiếng Anh và tin học, Đạt quyết tâm theo đuổi và biến ước mơ của mình trở thành hiện thực. Ngay khi tham gia vào Hội Người mù huyện Thanh Trì, Đạt đã đăng ký tham gia vào lớp học tiếng Anh và vi tính của Hội do Tổ chức phi chính phủ ACCV tài trợ. Trong suốt quá trình học Đạt luôn là một học sinh xuất sắc của lớp. Nhận thấy niềm đam mê và khả năng của Đạt, tháng 11/2010, tổ chức ACCV đã chính thức nhận Đạt vào làm việc và giao cho quản lí chương trình A Brighter Tomorrow (Vì một ngày mai tươi sáng) hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên nghèo ở thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh. Làm việc thành công trong tổ chức này, tháng 6/2011, Đạt cùng tổ chức ACCV đã thành lập một câu lạc bộ tiếng Anh dành riêng cho người khiếm thị tại Hội đồng Anh ở 20 Thụy Khuê (Hà Nội), tạo sân chơi riêng cho người khiếm thị được học hỏi, giao lưu và phát triển vốn từ tiếng Anh của mình.
Tháng 9/2011, với những cố gắng, nỗ lực tột bậc, Đạt đã thi đỗ vào 2 trường đại học. Hiện tại, Đạt đang là sinh viên năm thứ 3 của trường Đại học Hà Nội (chuyên ngành Tiếng Anh) và Viện Đại học Mở (chuyên ngành Quản trị kinh doanh).
Bên cạnh những buổi đến giảng đường đại học, Đạt còn tích cực tham gia vào công tác hội và làm xoa bóp bấm huyệt tại cơ sở của Hội để kiếm thêm tiền chi tiêu cho bản thân và đỡ gánh nặng cho gia đình. Không dừng lại ở đó, tháng 4/2012, Đạt đã dành được học bổng của một khóa học ngắn ngày tại Úc. Trong khóa học này Đạt được tham gia học tiếng Anh và tin học nâng cao, ngoài ra Đạt còn học được những kỹ năng tham gia giao thông và được tiếp xúc với những chú chó dẫn đường đặc biệt.
Trở về sau chuyến học tập và trải nghiệm tại Úc, Đạt thấy mình dường như trưởng thành hơn, chín chắn hơn trong suy nghĩ và trong cách nhìn cuộc sống thường nhật. Từ những chắt lọc, so sánh cho phù hợp với cuộc sống của người khiếm thị tại Việt Nam, Đạt dự định sẽ đem những kiến thức mình tiếp thu được khi ở bên Úc về cách đi gậy, cách đặt gậy, cách sử dụng gậy hiệu quả để nhận biết các vật cản trên đường đi. Ngoài ra, Đạt còn dự định sẽ giới thiệu và phổ biến rộng rãi cách thức sử dụng cây gậy cảm ứng, có thể nhận biết tốt các vật cản trong phạm vi từ 1-2 m thông qua cảm ứng rung, giúp cho người khiếm thị đi lại một cách dễ dàng. Thêm vào đó, Đạt đang học hỏi để sớm giới thiệu và đưa vào sử dụng rộng rãi phần mềm hỗ trợ cho người khiếm thị có thể sử dụng máy tính thuận tiện thông qua các hệ thống âm thanh kèm theo...
Với tất cả những nỗ lực, những việc làm đầy cố gắng của mình, Đạt luôn hy vọng có thể giúp đỡ cho những người cùng cảnh ngộ như mình có cơ hội hòa nhập với cộng đồng và có một tương lai tươi sáng hơn.
Kim Anh