Theo thang bảng đo chỉ số nhiệt, đây là mức đặc biệt cẩn trọng, người dân đề phòng khả năng say nắng, chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc hoặc hoạt động thể chất kéo dài.
Tại các thành phố khác như: Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Pleiku (tỉnh Gia Lai), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), chỉ số nhiệt ở mức màu xanh-an toàn. Huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) có chỉ số nhiệt ở mức màu vàng-cẩn trọng, con người có thể mệt mỏi nếu duy trì tiếp xúc và hoạt động thể chất kéo dài.
Thang bảng đo chỉ số nhiệt có 5 mức là xanh (dưới 27), vàng (27-32), cam (32-41), đỏ (41-54) và nâu (trên 54), tương đương với mức an toàn, cẩn trọng, đặc biệt cẩn trọng, nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Bên cạnh đó, trong ngày 10/6, chỉ số tia cực tím ở các thành phố Đà Nẵng, Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Hội An (tỉnh Quảng Nam) chuyển sang màu đỏ-ngưỡng có nguy cơ gây hại rất cao, các thành phố khác trên cả nước ở ngưỡng có nguy cơ gây hại cao.
Ở thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) chỉ số tia cực tím cao nhất 8.3 và gây hại trong khoảng 11-13 giờ. Chỉ số này ở thành phố Đà Nẵng, thành phố Hội An (Quảng Nam) là 8.3 và 8.7, gây hại từ 10-13 giờ.
Dự báo, ngày 11-12/6, chỉ số tia cực tím ở thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), thành phố Đà Nẵng, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) giảm xuống ngưỡng có nguy cơ gây hại cao, tương đương với mức nguy cơ gây hại ở các thành phố khác. Ngày 13/6 chỉ số này ở thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hải Phòng và Hà Nội giảm xuống mức nguy cơ gây hại trung bình, các thành phố khác vẫn ở mức nguy cơ gây hại cao.
Để bảo vệ làn da khi bức xạ tia cực tím gây hại ở mức rất cao, người dân nên hạn chế ra ngoài vào buổi trưa, ở dưới bóng mát và che chắn khi ra ngoài, bắt buộc bôi kem chống nắng, đeo kính râm và đội mũ.