Bên lề Quốc hội, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đã nói về đề án của Chính phủ cho người dân vay vốn với lãi suất 3% và sự chia sẻ rủi ro giữa các bên ngân hàng, bảo hiểm.
Ông giá như thế nào về đề án hỗ trợ ngư dân bám biển?
Đề án hỗ trợ ngư dân bám biển đảm bảo 2 nội dung đảm bảo đời sống của ngư dân bám biển và đảm bảo an ninh quốc phòng. Nội dung chính là đưa ra gói tín dụng với lãi suất thấp đảm bảo cho người ngư dân vay được. Người dân vay được mới có tiền đóng các tàu lớn, tàu vỏ sắt để khai thác biển một cách hiệu quả.
Khi ngân hàng cho vay, các cơ quan bảo hiểm phải bảo hiểm cho ngư dân. Khi có rủi ro do mưa bão hoặc tàu bị đâm chìm thì bảo hiểm phải thanh toán cho ngân hàng. Khi đó ngân hàng cũng không bị mất vốn. Ở đây là chia sẻ trách nhiệm mỗi bên. Với số tiền lớn như thế thì người dân không có tài sản thế chấp. Vì vậy, phải lấy ngay con tàu để thế chấp. Lãi suất thấp này được nhà nước công nhận và ghi vào giá thành. Ngân hàng thu lãi được ít thì cũng sẽ nộp vào ngân sách ít đi. Như vậy rất công bằng.
Vấn đề thứ hai là nếu có bảo hiểm thì ngân hàng cho vay cũng an toàn. Ở đây, không chỉ có vấn đề hoạt động sản xuất mà còn cả vấn đề về an ninh quốc phòng nên cần phải chia rủi ro. Ân hạn 1 hoặc 2 năm đầu đã đóng thì không lấy lãi. Điều này rất thuận lợi cho ngư dân, ngân hàng dám bỏ vốn ra. Từ đó, nghề cá mới phát triển và an ninh trên biển mới được đảm bảo. Đây là vấn đề kinh tế gắn liền với quốc phòng. Đây là chủ trương rất đúng. Trước đây, các ngân hàng đều có vốn nhưng không dám cho vay vì tính rủi ro rất cao. Rủi ro không phải do bão lũ mà có thể do bất ổn trên biển Đông.
Với kinh nghiệm từng làm ngân hàng, liệu nguồn vốn có cho vay đúng đối tượng không thưa ông?
Điều này cũng có thể xảy ra trong trường hợp khi chính sách ra nhưng không quản lý được, không làm nghiêm túc.
Chúng ta đã có nhiều gói hỗ trợ cho người nghèo nhưng người muốn vay không tiếp cận được. Trong trường hợp này thì phải tính toán thế nào?
Đây là một chủ trương rất lớn, một vấn đề rất thời sự và đã có chỉ đạo của Chính phủ nên các ngành phải làm. Vì vậy, mức độ chọn lựa, kiểm tra, kiểm soát phải cao. Một con tàu lớn trị giá 5 đến 7 tỷ là không đơn giản. Bên cho vay cũng phải rất thận trọng. Đây là vấn đề không đơn giản.
Với lãi suất vay 3%, theo ông có giảm tiếp được nữa không?
Theo tôi, mức lãi suất vay 3% là hợp lý. Nếu giảm tiếp thì các ngân hàng có nguy cơ lỗ. Hiện nay, ngân hàng huy động tối thiểu thời gian 6 tháng đã là 6%. Việc cho vay 3% với thời gian cho vay là 10 năm thì quãng thời gian là rất dài và mức rủi ro là rất lớn. Ở đây phải có sự chia sẻ của cả ngân hàng, bảo hiểm, nhà nước và người dân.
Xin cám ơn ông!
Xuân Minh (ghi)