Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 7 - 10/6/2024, tại Cung văn hóa thiếu nhi Huế, hứa hẹn mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm độc đáo và ý nghĩa trong tuần lễ cao điểm Festival Huế 2024.
Triển lãm “Vì sự sống bền vững cho thiên nhiên và con người” là một phần của Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC), được USAID tài trợ và WWF - Việt Nam thực hiện.
Mục tiêu chính của triển lãm là quảng bá tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã và hệ động thực vật phong phú tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, triển lãm cũng nhằm tăng cường sự tham gia và ủng hộ của chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng và cộng đồng đối với hoạt động bảo tồn.
Tại triển lãm, người dân Huế và du khách sẽ được thưởng lãm những hình ảnh kỳ vĩ của những cánh rừng và hành lang đa dạng sinh học quan trọng của quốc gia. Cố đô Huế, ngoài vẻ đẹp thơ mộng và đền đài cổ kính bên dòng sông Hương, còn sở hữu hệ động - thực vật phong phú với nhiều loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Một trong những điểm nhấn của triển lãm là tiêu bản đẹp nhất loài sao la, được mệnh danh là “Kỳ lân Châu Á”, đến từ Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung. Đây là 1 trong 3 tiêu bản của loài sao la tại Việt Nam, một loài thú quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Ngoài tiêu bản sao la, Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung còn lưu giữ và trưng bày nhiều bộ sưu tập quý hiếm khác Các bộ sưu tập này bao gồm bộ mẫu động, thực vật quý hiếm của hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới như hổ, tê tê, báo gấm, cheo cheo lưng bạc, vooc chà vá….; bộ mẫu địa chất - khoáng sản tiêu biểu của Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế; bộ mẫu gỗ rừng; bộ mẫu côn trùng; bộ mẫu cá rạn san hô, thủy sinh vật biển; bộ mẫu thực vật thân gỗ bị silic hóa niên đại 199 triệu năm tuổi; mẫu cổ sinh chân đầu; và hai mảnh vỏ…
Những hiện vật này không chỉ là tài sản khoa học quý giá mà còn giúp công chúng hiểu rõ hơn về sự phong phú và đa dạng của thiên nhiên khu vực duyên hải miền Trung.
Ngoài ra, khách tham quan sẽ được “theo chân” Đội tuần tra tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng (CPT) tại Huế, để hiểu rõ hơn về công tác bảo vệ động vật hoang dã và những thách thức trong việc đối phó với nạn săn bắt trái phép. Câu chuyện cảm động về tác hại của các loại bẫy thú, do anh Nguyễn Hữu Hóa - người được vinh danh trong lễ trao giải Cống hiến Bảo vệ Động vật hoang dã lần thứ 2, chia sẻ sẽ mang đến những cảm xúc sâu lắng cho người nghe.
Sự hợp tác giữa USAID và WWF-Việt Nam trong việc tổ chức triển lãm “Vì sự sống bền vững cho thiên nhiên và con người” là một minh chứng rõ ràng cho cam kết chung về bảo tồn và phát triển bền vững, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của việc giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.