Chính sách thích ứng linh hoạt giúp thị trường lao động có nhiều khởi sắc

Trong quý I/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Chú thích ảnh
 Ảnh minh họa: TTXVN

“Nhờ các chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 giúp cho thị trường lao động quý I/2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Tín hiệu tốt của thị trường lao động

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã phát huy tác động, hiệu quả, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù, số ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh tại hầu hết các địa phương trên cả nước nhưng với chiến lược thích ứng an toàn và tăng độ phủ vaccine, đã có 57/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; thị trường lao động quý I năm 2022 đã dần phục hồi trở lại.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I năm 2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I năm 2022 ước tính là 51,2 triệu người, tăng 441,1 nghìn người so với quý trước và tăng 158,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt ,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; lao động 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước quý I năm 2022 ước tính là 2,46%. Con số này cao hơn so với cùng kỳ của quý I năm 2021 (2,42%) và quý I năm 2020 (2,22%); trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,88%; khu vực nông thôn là 2,19%.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của cả nước quý I năm 2022 ước tính là 3,01%; trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 2,39%; khu vực nông thôn là 3,40%.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I năm 2022 ước tính là 56,2%; trong đó, khu vực thành thị là 48,1%; khu vực nông thôn là 62,9% (quý I năm 2021 tương ứng là 57,1%; 48,4%; 64,3%).

Trong quý I/2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 1,2 triệu đồng so với quý trước và tăng 119 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nhập của lao động nam là 7,7 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,8 triệu đồng/tháng.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngay trong quý I năm 2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động. 

“Như vậy, có thể nói tiếp nối với thành quả được ghi nhận trong quý IV năm 2021 với các dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đã bắt đầu phục hồi, thị trường lao động quý I năm 2022 đã dần phục hồi trở lại. Đây là tín hiệu tốt của thị trường lao động qua đó cung ứng đủ lao động cho doanh nghiệp có thể tăng tốc trong thời gian tới”, Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội cho người dân

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong quý I/2022, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát mạnh, đặc biệt tại một số địa phương phía bắc.

Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư, quý I năm nay, tỷ lệ hộ có thu nhập giảm so với cùng kỳ năm trước là 26,9%. Có tới 86,7% hộ gia đình đánh giá thu nhập giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tỷ lệ hộ có thu nhập không thay đổi là 43,4% và tỷ lệ hộ có thu nhập tăng là 29,7%.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng phần lớn đến đời sống dân cư khi có tới 76,1% hộ đang phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Chỉ có 2,3% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh khác và 2,2% hộ gia đình chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng.

Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý I, kinh phí quà tặng các đối tượng bảo trợ xã hội từ nguồn ngân sách và xã hội hóa là gần 1.000 tỷ đồng. Tổng giá trị tiền và quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt gần 1,3 nghìn tỷ đồng; dành cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng là gần 2,1 nghìn tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ tình hình đột biến, bất thường (thiên tai, bão lũ…) phát sinh tại địa phương gần 1,9 nghìn tỷ đồng.

Thêm vào đó, hơn 25,5 triệu thẻ bảo hiểm y tế/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

Đồng thời, các gói hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tiếp tục được thực hiện. Cụ thể, tính đến ngày 22/3/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số /NQ-CP ngày 1/7/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ đạt gần 40,6 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 35,6 triệu lượt người lao động và 378,9 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh.

Cùng với đó, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đạt gần ,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 13 triệu lượt lao động và 363,6 nghìn đơn vị/hộ kinh doanh sử dụng lao động.

Ngoài ra, để bảo đảm người dân không bị ảnh hưởng do thiếu đói giáp hạt, ngày 15/3/2022 Chính phủ ban hành Quyết định số 340/QĐ-TTg cấp xuất hơn 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, dịch COVID-19 tác động đến người lao động theo nhiều hình thức, không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn thu nhập mà còn khiến nhiều lao động thay đổi địa điểm làm việc, chuyển đổi công việc, ngành nghề. Do vậy, trước mắt, để đảm bảo nguồn cung lao động ổn định trở lại, các địa phương cần tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động để họ yên tâm làm việc ổn định.

Bên cạnh đó, để tiến tới ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, cải thiện thu nhập người lao động, nâng cao đời sống người dân.

Ông Phạm Hoài Nam cho rằng, cần nâng cao chất lượng nguồn cung lao động, từ đó, cải thiện năng suất lao động. Theo đó, các địa phương cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề ngắn hạn, cung cấp nguồn lao động kịp thời cho doanh nghiệp theo yêu cầu hiện nay; đồng thời, thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng và khuyến khích doanh nghiệp tăng lương, phúc lợi, để thu hút và giữ chân người lao động làm việc lâu dài. Đây là giải pháp thiết yếu, tạo sự cải thiện về chất lượng cuộc sống thực sự cho người lao động.

“Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác để phát triển kinh tế, tạo ra một thị trường hàng hóa nói chung và thị trường lao động nói riêng có tính cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, tạo cơ hội công bằng cho tất cả người lao động”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Thúy Hiền (TTXVN)
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển thị trường lao động
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển thị trường lao động

Ngày 25/3, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển thị trường lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN