Đây là nội dung quan trọng của chương trình đột phá Chỉnh trang và phát triển đô thị của thành phố. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, mục tiêu xây dựng các khu đô thị mới hiện đại của thành phố vẫn chưa đạt được kỳ vọng, nhiều nơi vẫn đang còn rất ngổn ngang.
Kết quả khiêm tốn
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, đối với việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xen cài trong khu dân cư hiện hữu, tính từ đầu chương trình đến nay (năm 2016 đến hết năm 2019) thành phố đã cấp phép xây dựng và đang triển khai thi công 25 dự án nhà ở quy mô 8,1ha với 3,2 triệu m2 sàn xây dựng, gồm 13.646 căn hộ chung cư và 1.018 căn nhà ở riêng lẻ, đạt 55% kế hoạch đề ra.
Cùng với đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật 1.053 tuyến đường, hẻm, cải tạo hệ thống thoát nước, triển khai công trình công cộng thuộc các khu dân cư hiện hữu gồm 128 trường học, 65 công viên và mảng xanh, 21 trạm y tế, ngầm hoá hơn 8,5km lưới điện viễn thông và các công trình công ích khác.
Về xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 1,48 triệu m2 (đạt 57% mục tiêu đề ra). Đồng thời, giải phóng mặt bằng được 99,4%, vẫn còn một số khu đất chưa thể thu hồi liên quan đến khiếu nại. Một số dự án lớn đã và đang triển khai như: 4 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông, hạ tầng kỹ thuật Khu Dân cư phía Bắc, Khu đô thị Sala…
Trong khi đó, dự án Khu đô thị mới Nam thành phố phát triển được 30-35% diện tích, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, mạng lưới giao thông chính. Tổng diện tích sàn xây dựng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng là 2,4 triệu m2 (đạt 57% kế hoạch) thuộc 90 công trình với quy mô khoảng 11.050 căn hộ. Hiện thành phố đang đầu tư xây dựng các khu dân cư và công trình công cộng trên diện tích khoảng 1.000 ha, đầu tư xây dựng 5 khu tái định cư và 3 dự án nhà ở xã hội.
Tại Khu đô thị Tây Bắc (quy mô khoảng 6.000ha), thành phố đã xây dựng phương án tổng thể cho công tác giải phóng mặt bằng toàn khu. Giai đoạn 1, giai đoạn 2 của dự án và Khu giáo dục đại học cao đẳng đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Tương tự, Khu đô thị cảng Hiệp Phước (quy mô hơn 3.000ha) được quy hoạch với chức năng khu đô thị và cảng biển. Hiện tại một số cảng biển lớn đã được xây dựng và đưa vào vận hành dọc tuyến sông Soài Rạp, riêng khu đô thị đang được điều chỉnh quy hoạch.
Trong khi đó, dự án Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa được quy hoạch từ năm 1992, bao gồm diện tích phường 28 quận Bình Thạnh với quy mô gần 427ha, bao gồm khu dân dụng (nhà ở cao tầng, biệt thự, tái định cư, công viên cây xanh, công trình công cộng), khu chức năng đặc thù (cây xanh sinh thái, trung tâm đô thị mới)... Trải qua hơn 26 năm, hiện dự án này vẫn chưa thể triển khai do bế tắc chi phí bồi thường, xác định thời điểm giao đất khiến nhiều tập đoàn lớn “đến rồi đi”.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, hiện nay thành phố đang lập tiêu chí đấu thầu dự án và đã có 4 doanh nghiệp lớn tham gia. Những doanh nghiệp này sẵn sàng chi 3 tỷ USD cho thành phố để tham gia dự án. Có thể thành phố sẽ điều chỉnh quy mô diện tích dự án Bình Quới - Thanh Đa cho phù hợp.
Đánh giá tổng thể, đối với chương trình xây dựng các dự án nhà ở xen cài trong khu dân cư hiện hữu, xây dựng một số khu đô thị mới gồm: Khu Thủ Thiêm, Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc và Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, các quận huyện đã và đang triển khai hiệu quả việc vận động nhân dân thực hiện các hạng mục chỉnh trang khu dân cư hiện hữu theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư hiện hữu, góp phần tiết giảm nguồn vốn ngân sách.
Giải quyết những bất cập
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các khu dân cư hiện hữu chưa cao, xây dựng và kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các đô thị chưa đồng bộ. Tiến độ triển khai bồi thường hỗ trợ tái định cư tại Khu đô thị mới Tây Bắc, Bình Quới - Thanh Đa, Hiệp Phước chậm so với chỉ tiêu đề ra, chủ yếu do vướng bồi thường, chưa có chính sách đột phá trong giải phóng mặt bằng, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng kéo dài.
Trong quá trình thực hiện đã xảy ra sai phạm, phát sinh khiếu nại gay gắt, kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị. Đơn cử tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về một số sai phạm trong việc xác định ranh quy hoạch và thu hồi đất, đầu tư xây dựng các dự án BT, thanh toán quỹ đất không qua đấu giá, gây nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước.
Trong khi các dự án thành phần phục vụ cộng đồng chưa được xây dựng thì các khu nhà ở thương mại cao cấp, giá bán đắt đỏ đã được chủ đầu tư hoàn thành, bán thu lợi nhuận. Giải phóng mặt bằng Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa thể trọn vẹn khi vẫn còn một số diện tích đất, công trình trên đất chưa giải toả được. Một số khu vực đất quy hoạch phục vụ tái định cư cho người dân lại được cấp cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, thương mại dịch vụ.
Tại Khu đô thị Tây Bắc, vừa qua Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ một số sai phạm tại dự án Công viên Sài Gòn Safari về việc lập, duyệt đồ án quy hoạch, đền bù và quản lý đất, chính sách tái định cư. Từ khi có quy hoạch, thành phố đã tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư nhưng đến nay vẫn “vườn không nhà trống”. Trong khi nhiều người dân có đất trong quy hoạch lâm cảnh “bán không được, ở không xong”. Hiện nay, thành phố đang điều chỉnh quy hoạch có tính đến phương án giảm quy mô dự án để dễ huy động nguồn lực triển khai.
Tương tự, dự án Khu đô thị mới Nam thành phố cũng đã xảy ra một số sai phạm về điều chỉnh quy hoạch 8 khu chức năng, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác giao đất, cho thuê đất đối với dự án khu dân cư 28,2ha tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, dự án khu dân cư 2ha tại phường An Lạc, quận Bình Tân. Cùng với đó là việc chậm triển khai một số dự án chung cư, bỏ hoang nhiều khu đất lớn và có 17 dự án chồng lấn hành lang an toàn giao thông trong quá trình xây dựng. Do quy hoạch treo nhiều năm trong khi nhu cầu nhà ở tăng cao, tập trung nhiều người nhập cư nên Khu Nam đô thị mới thành phố trở thành điểm nóng vi phạm trật tự xây dựng.
Bên cạnh đó, việc chỉnh trang một số khu dân cư hiện hữu cũng bế tắc hoặc tiến hành dang dở như khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, Nam Rạch Chiếc, khu đô thị An Phú (quận 2), khu dân cư Phước Kiển (Nhà Bè), khu dân cư Phước Long B (quận 9)… do vướng mắc về pháp lý đầu tư, thủ tục giao đất, quy hoạch, năng lực chủ đầu tư, khiếu nại về chủ quyền nhà đất.
Sau khi có các kết luận của Thanh tra Chính phủ về các dự án nói trên, UBND thành phố đã khẩn trương triển khai các giải pháp sớm ổn định và đảm bảo quyền lợi người dân, lợi ích nhà nước, vừa xử lý nghiêm sai phạm vừa thúc tiến độ dự án theo đúng quy hoạch. Thực hiện các giải pháp quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh lần thứ X (nhiệm kỳ 2016 - 2020) đã đề ra, UBND các quận huyện đang tiếp tục thực hiện nâng cấp, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu để triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn. Đầu tư xây dựng đồng bộ tuyến đường, hẻm gồm nâng cấp hệ thống giao thông, cấp nước sinh hoạt, thoát nước mưa và nước thải, đèn chiếu sáng công cộng, thu gom rác thải.
Đối với chương trình xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại như Khu đô thị mới thủ Thiêm, thành phố phấn đấu hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất. Đẩy nhanh tiến độ dự án 4 tuyến đường chính, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và đường trục Bắc – Nam. Thực hiện tiếp nhận và bàn giao các tuyến đường thuộc các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tại Khu đô thị mới Nam thành phố, cơ quan chức năng hỗ trợ thủ tục cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các khu chức năng số 6A, 6B, 9A-B, khu 13, khu 19, lập và trình phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu Khu đô thị Hiệp Phước. Còn tại Khu đô thị Tây Bắc, thành phố sẽ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương án tổng thể được duyệt. Hoàn tất thủ tục lựa chọn chủ đầu tư các hạ tầng giao thông, lập thẩm định trình phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500, khu tái định cư…
Nhiệm kỳ 2016 -2020 sắp qua đi, mặc dù một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa hoàn thành, thậm chí khó đạt được nhưng nhìn tổng thể Chương trình đột phá Chỉnh trang và phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả, tạo tiền đề để nhiệm kỳ 2021 - 2025 tiếp tục thực hiện, hoàn tất mục tiêu chung là di dời toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp. Chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại, qua đó xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước.