Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao sự nỗ lực của địa phương, cũng như quan tâm công tác bảo vệ môi trường của nhà máy. Dự kiến, đến cuối tháng 10, căn cứ theo các quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với địa phương sẽ cấp giấy xác nhận hoàn thành nhà máy để đi vào hoạt động chính thức.
Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị, nhà máy cần cung cấp đẩy đủ các cơ sở pháp lý theo quy định trước khi đi vào hoạt động. Đồng thời, trên giấy xác nhận hoàn thành phải thông tin rõ quá trình vận hành, bảo dưỡng, ban hành quy chế vận hành, làm rõ trách nhiệm của cán bộ vận hành. Đặc biệt, phải hết sức quan tâm vấn đề mùi để kiểm soát tốt mùi hôi phát sinh. Bên cạnh đó, nhà máy cần tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu rõ về sự cầu thị của nhà máy. Nhất là kết quả quan trắc nước thải phải thường xuyên công khai rộng rãi cho nhân dân biết. Địa phương cần quan tâm đối với các doanh nghiệp dọc theo tuyến sông Hậu, trên cơ sở đó đề xuất các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải lớn để Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào danh mục giám sát; cũng như xây dựng cơ chế tiếp cận liên vùng, rà soát lại các quy hoạch liên quan đến nguồn nước để làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường nước cho khu vực này.
Trong ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và đoàn công tác cùng với lãnh đạo một số tỉnh, thành trong khu vực cũng đã đến khảo sát tình hình thực tế, gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với từng hộ dân bị ảnh hưởng. Tại đây Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị, người dân tiếp tục phối hợp nếu phát hiện điều bất thường trong quá trình Nhà máy giấy hoạt động thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương để có sự phối hợp với nhà máy xử lý kịp thời.
Theo báo cáo của Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Tài nguyên Môi trường, đến nay, Nhà máy Giấy Lee&Man đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường. Theo đó, hệ thống thu gom nước mưa và nước thải được xây dựng tách biệt.
Lưu lượng nước thải khoảng hơn 13.000 m3/ngày đêm được thu gom, xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 20.000 m3/ngày đêm; nước thải sau hệ thống xử lý nước thải và hồ sinh học được kiểm soát 7 thông số bằng 2 hệ thống quan trắc tự động liên tục kèm theo thiết bị lấy mẫu tự động, có camera theo dõi và truyền trực tiếp dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang.
Qua kết quả phân tích mẫu nước thải định kỳ cho thấy nước thải sau xử lý đạt cột A theo QCVN 40:2011/BTNMT. Về khí thải cũng đã được kiểm soát bằng hệ thống quan trắc tự động và đến nay qua kết quả kiểm tra cũng đạt chuẩn quy định. Đặc biệt, các sự cố xảy ra trong tháng 9 vừa qua, công ty đã nghiên cứu, lắp đặt bổ sung một số công trình bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường phát sinh.