Hạn chế những tác động tiêu cực
Ngày 13/2, báo chí đưa tin về việc tàu Aida Vita (quốc tịch Italy) không được cấp phép cập cảng tại TP Hạ Long, không cho hành khách và thủy thủ đoàn lên bờ tham quan các điểm du lịch và Vịnh Hạ Long. Tàu chở hơn 1.116 khách châu Âu (95% quốc tịch Đức, không có châu Á), xuất phát từ Bali, Indonesia ngày 17/1, qua 9 cảng (không có Trung Quốc, Hồng Công). Vì vậy, tàu đã quyết định hủy toàn bộ 3 cảng còn lại của Việt Nam là Đà Nẵng (ngày 15/2), Nha Trang (ngày 17/2) và TP Hồ Chí Minh (ngày 18/2).
Trước sự việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh, rút kinh nghiệm; đồng thời, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị, công điện và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra các trường hợp tương tự, bảo đảm thực hiện chặt chẽ công tác quản lý nhập cảnh đối với khách du lịch nước ngoài và phương tiện vận chuyển đi qua vùng dịch, thực hiện cách ly y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngay sau khi công bố dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc và đề xuất các kiến nghị, giải pháp vừa phòng chống, vừa phát triển kinh tế, để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Diễn biến dịch bệnh phức tạp đang khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lo lắng trước những tác động của dịch bệnh, cùng những ảnh hưởng tiêu cực đối với mọi hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại và đầu tư trong nước.
Song song với những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe con người, các doanh nghiệp cũng cần theo sát thông tin từ các cơ quan chức năng để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh; linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh về hợp đồng và phía đối tác. Điều quan trọng nhất là cẩn trọng, cảnh giác để giảm thiểu tối đa những thiệt hại kinh tế trước những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp do dịch bệnh COVID-19, trước khi có những hỗ trợ, giúp đỡ từ phía Chính phủ, các ban, ngành chức năng…
Trước diễn biến của dịch COVID-19, Chính phủ, các bộ ngành đã nỗ lực vào cuộc phòng, chống dịch, bảo vệ người dân, đồng thời có các đối sách để kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng giữ vai trò nòng cốt cho nền kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay…
Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; logistics, bán lẻ, sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thủy sản, dịch vụ, du lịch; đồng thời miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch; kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ giao các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đơn vị liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, cắt giảm chi phí đầu vào thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh do dịch.
Tỉnh Vĩnh Phúc siết chặt công tác phòng chống dịch COVID-19
Tính đến ngày 15/2, Vĩnh Phúc có 11 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới (nCoV); trong đó huyện Bình Xuyên 9 trường hợp; huyện Tam Đảo 1 và Tam Dương 1 trường hợp. Tổng số trường hợp nghi ngờ nghi ngờ được cách ly và giám sát ở tỉnh là 74 trường hợp; tổng số trường hợp liên quan đến tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính được theo dõi 357 trường hợp; các trường hợp được cách ly và theo dõi tại cơ sở cách ly điều trị là 128 trường hợp.
Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương khẩn cấp khoanh vùng và cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Đồng thời, lập 12 chốt ở những điểm thuận lợi ở những con đường, lối mở đi vào và đi ra xã Sơn Lôi. Các chốt này được bố trí các lưc lượng công an, quân đội, y tế, cán bộ xã canh gác, kiểm tra kiểm soát cả ngày lẫn đên với quyết tâm không cho người dân qua lại. Thời gian khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên là 20 ngày, kể từ ngày 13/2/2020.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã thành lập 3 tổ công tác, tập trung tuyên truyền, phổ biến, cùng với Sở Y tế tổ chức tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch cho trên 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, qua khảo sát tại các doanh nghiệp, sau Tết, dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng không xảy ra tình trạng khan hiếm lao động, với hơn 98% công nhân, người lao động đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Nhìn chung, công nhân lao động được thưởng Tết, bố trí xe đưa về quê và đón trở lại làm việc, nên gắn bó với doanh nghiệp. Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp tăng cường công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế, qua đó ổn định sản xuất ngay từ đầu năm. Các doanh nghiệp đã chủ động sớm về lực lượng lao động, cũng như các chế độ đối với người lao động.