Trước đó, từ đầu tháng 4 đến nay, người dân xã Đông Á nhiều lần tụ tập đông người tại khu vực trụ sở xã để phản đối việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn xã này. Người dân mong muốn được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo cao nhất của cấp huyện, cấp tỉnh.
Tại hội nghị, hơn 20 ý kiến của người dân trong xã cho rằng, chưa lấy ý kiến rộng rãi của người dân đã triển khai dự án nhà máy xử lý rác thải, nếu làm nhà máy xử lý rác thải tại xã sẽ gây ô nhiễm; cần làm rõ việc đầu tư đường vào và việc giải phóng mặt bằng dự án nhà máy này; thanh tra toàn diện xã Đông Á từ năm 2019 đến nay nhất là công tác quản lý đất đai...; đồng thời kiến nghị dừng, không làm nhà máy xử lý rác thải tại xã.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng Tô Xuân Thức cho biết sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến của người dân, nghiên cứu làm rõ theo chức năng của từng cấp, từng ngành, rồi báo cáo trung thực với tỉnh và sớm thông báo lại với xã, với người dân. Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cũng đề nghị người dân xã Đông Á trong thời gian tới không tụ tập đông người, bởi vấn đề của người dân, các cấp, các cơ quan chức năng đã nắm được.
Trên thực tế, Dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại xã Đông Á chưa được triển khai xây dựng. UBND huyện Đông Hưng mới triển khai thực hiện đường vào dự án và giải phóng mặt bằng khu đất để thu hút đầu tư thực hiện Dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao này.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, hiện nay việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được bảo đảm theo quy định, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi phải nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ hiện đại thay thế các khu xử lý không hợp vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để thu hút đầu tư, thống nhất lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng, yêu cầu đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08 của Chính phủ và đáp ứng tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy định tại Điều 28 Thông tư số 02 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, phù hợp với điều kiện tỉnh Thái Bình.
Cụ thể, công nghệ đảm bảo môi trường trong đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình phải đáp ứng xử lý được toàn bộ thành phần chất thải rắn sinh hoạt, có phương án tái sử dụng, tái chế các thành phần có ích, tỷ lệ chôn lấp theo quy định; công nghệ đã được ứng dụng thành công; nước thải, khí thải phát sinh bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định trước khi thải ra môi trường. Nhà máy có biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại theo quy định; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, có camera theo dõi sau hệ thống xử lý nước thải, khí thải, có màn hình hiển thị kết quả quan trắc tại cổng Nhà máy cho người dân theo dõi, truyền số liệu trực tiếp đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định...