Chung tay hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội và lời kêu gọi về sự tương thân tương ái của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong những ngày qua, nhiều địa phương, tổ chức, nhà hảo tâm tại chung tay thực hiện công tác xã hội, chia sẻ khó khăn cho những đối tượng khó khăn, gia đình chính sách.

Chú thích ảnh
Xuất ăn miễn phí làm ấm lòng người lao động nghèo giữa mùa dịch. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tại thành phố Đà Lạt, hiện có 440 người bán vé số, trên 40.000 đối tượng tạm trú đang bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. UBND thành phố Đà Lạt đã vận động và tiếp nhận 500 triệu đồng từ các nhà hảo tâm hỗ trợ các đối tượng này; chi 800 triệu đồng mua sắm vật tư y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; tặng 700 suất quà thiết yếu cho người khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Ngoài ra, từ ngày 1 - 14/4, vào 16 giờ hàng ngày, một chủ cửa hàng ở đường Phan Đình Phùng (Phường 2, thành phố Đà Lạt) đều trao 50 suất quà, trị giá 50.000 đồng/suất, cho các đối tượng khó khăn; ước tính sẽ tặng 700 suất quà có tổng trị giá 35 triệu đồng cho cả đợt.

Trước đó, ngày 7/4, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 11 đã trao 53 suất quà cho người bán vé số dạo, gia đình chính sách, hộ khó khăn trên địa bàn trong mùa dịch, trị giá mỗi suất quà là 600.000 đồng.

UBND thành phố Đà Lạt và các địa phương đang tiếp tục vận động, quyên góp để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

* Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, tại Nghệ An đã có gần 6.200 doanh nghiệp với 1.585 người lao động được tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất. Việc triển khai nội dung này nhằm thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội để ứng phó dịch COVID-19.

Ông Hoàng Quang Phúc - Trưởng phòng Quản lý thu *Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nghệ An), cho biết: Dự kiến, số tiền tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất của toàn tỉnh trong 3 tháng là hơn 392 tỷ đồng, 6 tháng sẽ là hơn 784 tỷ đồng và 9 tháng sẽ là hơn 1.100 tỷ đồng. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch COVID-19, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất theo Quy định tại Khoản 1, Điều 88 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và một số văn bản liên quan.

Để được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất thì doanh nghiệp cần có một trong hai điều kiện: doanh nghiệp không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia Bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc chiếm từ 50% tổng số lao động trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

Theo Quy định, việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020. Trong trường hợp hết thời hạn này mà dịch COVID-19 vẫn chưa thuyên giảm và nếu doanh nghiệp có đề nghị, kịp thời thông báo đến cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh thì ngành Bảo hiểm sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh và gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, giải quyết tạm thời ngừng đóng đến tháng 12/2020.

Trong thời gian tạm thời dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, doanh nghiệp vẫn phải đóng đầy đủ, kịp thời các quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Hết thời hạn tạm dừng đóng theo quy định, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo Quy định tại Khoản 3, Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội.

* Theo thông tin từ Bưu điện tỉnh Quảng Ninh, đơn vị này đang thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tháng 4 và tháng 5/2020 qua hệ thống các bưu cục trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 8/4 đối với các trường hợp đặc biệt khó khăn: người nằm viện, hộ nghèo, cận nghèo, không đảm bảo mức sống tối thiểu...

Cụ thể, Bưu điện tỉnh phối hợp với các địa phương gửi thông báo về từng phường, xã; niêm yết diện đối tượng được ưu tiên nhận tiền sớm tại các điểm chi trả để các đối tượng nắm thông tin, liên hệ với điểm chi trả để nhận tiền sớm.

Trước đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Ninh có quyết định chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tháng 4 và tháng 5/2020 qua hệ thống bưu điện vào cùng kỳ chi trả nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Hình thức chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng tiền mặt được triển khai từ ngày 16/4 đến hết ngày 20/5.

Cơ quan bưu điện sẽ đảm bảo nhân lực, xây dựng phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người hưởng nhận bằng tiền mặt đảm bảo an toàn, không được tập trung đông người theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, cơ quan bưu điện sẽ tổ chức phát tiền mặt đến tận nhà đối với từng người hưởng.

Trong những trường hợp đặc biệt người dân có thể liên hệ với cơ quan bưu điện để đến các bưu cục nhận tiền nhưng không được tập trung quá 10 người, đảm bảo khoảng cách an toàn. Với những người thuộc địa bàn cách ly do dịch bệnh, cơ quan bưu điện phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của các địa phương để phát tận tay người hưởng một cách an toàn, tuân thủ đúng quy định.

Nhóm PV TTXVN tại các địa phương (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Nhiều nhà giảm giá phòng trọ, hỗ trợ công nhân trong mùa dịch COVID-19
TP Hồ Chí Minh: Nhiều nhà giảm giá phòng trọ, hỗ trợ công nhân trong mùa dịch COVID-19

Nhiều chủ nhà trọ tại TP Hồ Chí Minh đã đi đầu trong việc giảm tiền cho thuê phòng trọ, tặng quà và tặng những suất cơm nghĩa tình cho người lao động mất việc để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN