Anh Nguyễn Văn Chinh, xóm Kim Thanh, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đến trụ sở UBND xã Võ Liệt làm giấy khai sinh cho con thứ 3, nhưng được cán bộ tư pháp hướng dẫn sang gặp cán bộ dân số để “tự nguyện” đóng 2 triệu đồng rồi mới cho làm giấy khai sinh.
Do gia đình kinh tế gặp nhiều khó khăn, không xoay đủ số tiền 2 triệu đồng để đóng nên đến nay con thứ 3 (đã 2 tháng tuổi) vẫn chưa có giấy khai sinh.
Anh Chinh cho biết đã đến đây 2 lần nhưng vẫn chưa làm giấy khai sinh cho con do không đủ tiền. Theo quy định của xã, khi nào có phiếu thu đã đóng tiền từ Ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, lúc ấy Tư pháp xã mới cấp giấy khai sinh.
Không chỉ gia đình anh Chinh, nhiều gia đình khác tại xã Võ Liệt khi sinh con thứ 3 trở lên cũng đều phải “tự nguyện” đóng 2 triệu đồng mới được làm giấy khai sinh. Đặc biệt, một số gia đình do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, dù con đã 6 tuổi vẫn chưa được cấp giấy khai sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của con trẻ.
Anh Nguyễn Văn Thể, xóm Kim Thanh, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng "trót" đẻ tới 4 đứa con. Nay, hai cháu đã đến tuổi đi học nhưng do không có giấy khai sinh nên các cháu vẫn chưa thể tới trường như các bạn cùng trang lứa.
Không có giấy khai sinh không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập, mà còn gây khó khăn cho trẻ như không được tiêm vắc xin phòng chữa bệnh theo quy định, không có thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh. Anh Thể chia sẻ: Gia đình tôi là hộ nghèo, số tiền phải nộp cho xã quá lớn nên chúng tôi đành chấp nhận cho cháu ở nhà, không thể đến trường.
Lý giải vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thủy, cán bộ dân số, kế hoạch hóa gia đình xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết: Những năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã còn cao (hơn 22% trong năm 2016) nên hàng năm xã đều cho người dân ký bản cam kết thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Trong bản cam kết có nội dung các hộ gia đình nếu vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình thì tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí ít nhất 2 triệu đồng cho Ban dân số, kế hoạch hóa gia đình xã để góp phần đầu tư cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của địa phương. Việc vận động người dân thực hiện ký bản cam kết dân số kế hoạch hóa gia đình có nội dung “khi sinh con thứ 3 phải đóng 2 triệu đồng vào quỹ dân số” là theo các quy định về chính sách dân số của tỉnh Nghệ An nhằm hạn chế tỷ lệ sinh con thứ 3.
Tuy nhiên, việc ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình xã Võ Liệt vận động người dân “tự nguyện” nộp tiền vi phạm kế hoạch hóa gia đình nhưng lại “đóng khung” 2 triệu đồng khi làm giấy khai sinh là hoàn toàn sai và khiến nhiều gia đình không khỏi bức xúc, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ nhỏ.
Bà Kiều Thị Huệ, Trưởng phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp Nghệ An cho biết: Sở Tư pháp Nghệ An đã ra văn bản chấn chỉnh các địa phương về tình trạng cán bộ Dân số và Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với cán bộ tư pháp “ép buộc” người dân phải đóng tiền “tự nguyện” 2 triệu đồng mới được làm giấy khai sinh con thứ 3.
Các trẻ sinh ra đều được khai sinh, đó là quyền lợi của trẻ. Nếu vì một lý do gì đó không làm giấy khai sinh cho các em là lỗi sai của cán bộ tư pháp, hộ tịch. Không phải vì bố mẹ chưa nộp tiền tự nguyện do hoàn cảnh khó khăn mà tước đi quyền được khai sinh của các em.
Để giải quyết tình trạng này, Sở Tư pháp Nghệ An đã chỉ đạo Phòng tư pháp huyện Thanh Chương khẩn trương kiểm tra, rà soát và cấp giấy khai sinh cho trẻ sinh thứ 3 trở lên theo quy định, đảm bảo quyền lợi cho trẻ em.