Được Bác Hồ đặt tên
Trong cuộc gặp gỡ giữa mùa thu Hà Nội mới đây, nhà báo Hồ Tiến Nghị bất chợt ngân nga mấy câu thơ trong bài Kỷ niệm TTXVN 75 tuổi (15/9/1945 – 15/9/2020) được ông vừa sáng tác:
... “Đố ai biết được ngành ta
Đã được cách mạng lập ra ngày nào?
Vì sao ta lại tự hào
Được cùng đất nước sinh vào một năm?
Ngành ta ai đã khai sinh
Đặt cho danh hiệu hiển vinh thế này?”...
Nhà báo Hồ Tiến Nghị cho biết: “Theo tôi được nghe kể, sinh thời, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh có nói về lai lịch tên gọi Việt Nam Thông tấn xã do Bác Hồ đích thân đặt. Ngày 24/8/1945, Tổng Bí thư và đồng chí Nguyễn Lương Bằng ra đón Bác Hồ vừa từ Việt Bắc về một cơ sở ở nội thành Hà Nội. Tình cờ đồng chí Nguyễn Lương Bằng mang theo một bản dự thảo do anh Trần Kim Xuyến biên soạn về việc thành lập Nha Thông tin Tuyên truyền, trong đó có các cơ quan báo chí để trình Bác. Bác đọc cẩn thận bản đề án dự thảo. Khi đến đoạn nói về các cơ quan báo chí, nhất là cơ quan Thông tấn, Bác đã nói: “Từ ngày 23/8 mà đã có bản tin đủ cả thế giới và trong nước, các chú ấy làm tốt và nhanh nhạy, nhưng phải có tên chứ?”. Rồi Bác Hồ cầm bút viết luôn bằng chữ Hán “Việt Nam Thông tấn xã” lên trên bản dự thảo, sau đó Bác viết tiếp dòng chữ tiếng Việt: Việt Nam Thông tấn xã và mở ngoặc VNTTX. Với vốn hiểu biết sâu sắc của Bác về chữ Hán... Chữ Xã có nghĩa rộng, như là một bộ, ngành lớn”.
Ông cho biết thêm: Lúc đó phương tiện chuyển phát tin ra ngoài cơ quan thông tấn không hề có gì. Các đồng chí cán bộ kỹ thuật của ngành khi ấy phải tìm kiếm và thu lượm vật liệu để sửa chữa lại một cái đài phát sóng cũ để chuyển ra quốc tế Bản Tuyên ngôn độc lập do Bác trực tiếp đọc ngày 2/9/1945. Việc làm đó được tiến hành vào ngày 15/9/1945. Đó cũng là lý do vì sao TTXVN lấy ngày sinh vào 15/9/1945.
Video Nhà báo Hồ Tiến Nghị nói về việc TTXVN đã vinh dự phát bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ đọc bằng ba thứ tiếng: Việt Nam, Pháp và Anh:
Ngày 15/9/1945, TTXVN đã vinh dự phát bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ đọc bằng ba thứ tiếng: Việt Nam, Pháp và Anh. Ông Trần Văn Chương (một trí thức người Huế) đã đích thân dịch và đọc phát ra quốc tế bản tiếng Anh. Còn bản tiếng Pháp do bà Dương Thị Duyên (con gái cố Giáo sư Dương Quảng Hàm) dịch và đọc. Đây cũng chính là một dấu mốc tự hào của cơ quan Thông tấn trong hành trình cùng lịch sử dân tộc.
Người thủ trưởng đầu tiên-Liệt sĩ Trần Kim Xuyến
“Ai là Thủ trưởng chúng mình,
Ngày đầu trận đánh đã hy sinh anh hùng?”
Vừa đọc thơ, nhà báo Hồ Tiến Nghị vừa trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Nhà báo
- liệt sĩ Trần Kim Xuyến, người thủ trưởng đầu tiên của TTXVN. Nhà báo Trần Kim Xuyến là một nhân cách đặc biệt trong làng báo chí Việt Nam. Khi Nha Thông tin Tuyên truyền thành lập, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nha và được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách VNTTX lúc đó.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhà báo Trần Kim Xuyến có nhiệm vụ chỉ đạo việc di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài liệu quan trọng của Nha Thông tin Tuyên truyền ra vùng an toàn xa Hà Nội, để tiếp tục đưa lên Việt Bắc phục vụ công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 3/3/1947, phát hiện sóng đài của ta ở Chùa Trầm, thực dân Pháp huy động quân tới ào ạt tấn công, ông Trần Kim Xuyến đạp xe đi các nơi dũng cảm chỉ huy việc sơ tán tài liệu. Vừa hoàn thành nhiệm vụ cất giấu tài liệu, ông bị trúng đạn của quân Pháp, hy sinh tại Đầm Sen, xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn), huyện Chương Mỹ (Hà Nội) khi mới 26 tuổi.
Hay tin ông Trần Kim Xuyến hy sinh, Bác Hồ đã khóc vì Người rất thương tiếc một cán bộ trẻ, đầy tài năng và đức độ.
Những thập kỷ sôi động
“Sau khi đã trải qua mấy lớp học đầu tiên về thông tin và được nghe những bài học kinh nghiệm vô giá từ các bậc đàn anh, đàn chị ở các cơ quan báo nổi tiếng và thuộc “thế hệ vàng” của VNTTX, tôi và những người cùng lứa thời đó lại được tung ngay vào những môi trường công tác sục sôi khí thế Cách mạng ở miền Bắc cũng như ở miền Nam nước ta lúc bấy giờ, dưới cả hình thức trực tiếp và gián tiếp. Trong khi miền Bắc sôi động với phong trào “Ba ngọn cờ hồng” để đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng miền Nam thì ở miền Nam suốt thập niên 60 ấy đã chứng kiến biết bao biến động chính trị và sự kiện cách mạng có một không hai để tạo thế và lực cho thắng lợi cuối cùng diễn ra vào ngày 30/4/1975”, nhà báo Hồ Tiến Nghị hoài niệm.
“Khi đó, rất hiếm thông tin tham khảo chiến lược. Hầu như từ lãnh đạo cấp cao đến các nơi, kể
cả VNTTX, đều sử dụng bản tin 3TG (Tin thế giới) của Bộ Ngoại giao. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Như Kim, Tổ trưởng Tin tham khảo thuộc Phòng Biên tập tin miền Nam, nhóm Châu Văn Quyền (sau này là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Mai), Hồ Tiến Nghị và các cán bộ làm tin phony Lê Hữu Vy, Lê Văn Quý, Phùng Văn Hoán đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo Phòng ra thử Bản Tin nhanh đầu tiên của VNTTX.
“Bản tin nhanh lúc đầu chỉ tập trung vào các thông tin về Việt Nam, với độ dài khoảng 3 - 4 trang; ngày phát 3 lần vào sáng, trưa và tối. Sau đó chúng tôi lại cải tiến bằng cách khai thác thêm các thông tin thế giới để đưa vào. Tin nhanh của VNTTX ra đời được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan nghiên cứu đánh giá rất cao, trở thành tài liệu không thể thiếu của các nhà lãnh đạo và nghiên cứu”, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN kể.
Sau đó, khoảng thời gian xảy ra cuộc Tổng Tiến công Tết Mậu thân 19, nhóm đồng nghiệp nói trên lại có sáng kiến cho ra đời bản Tài liệu tham khảo đặc biệt, dựa trên cơ sở mở rộng bản Tin tham khảo thế giới. Tài liệu tham khảo đặc biệt trở thành một “Tài liệu nghiên cứu chiến lược” của VNTTX suốt từ khi nó ra đời cho đến tận ngày nay...
Hết lòng tiếp sức cho Thông tấn xã giải phóng
Sau khi nổ ra phong trào đồng khởi, bắt đầu từ tỉnh Bến Tre, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra đời. Để phục vụ cho các nhiệm vụ của Mặt trận nói trên và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng, còn gọi là Giải phóng xã (GPX) đã ra đời. Ngay sau đó, đồng chí Vũ Linh (tức Ngô Xuân Lựu) lúc đó là Phó Giám đốc, Bí thư Đảng uỷ của VNTTX đã được cử vào làm Giám đốc của GPX. Đồng thời, VNTTX còn cử nhiều cán bộ có tài năng về lĩnh vực thông tin như: Tin trong nước (tiêu biểu là các đồng chí Mai Hữu Phúc, Võ Thế Ái), Tin thế giới (tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Đức Giáp), Ảnh (tiêu biểu là đồng chí Phạm Nho Nghĩa), Kỹ thuật (tiêu biểu là đồng chí Hai Luận)... mang theo những trang thiết bị gọi là tiên tiến nhất của VNTTX lúc bấy giờ, đi theo đồng chí Vũ Linh vào tiếp sức cho TTXGP.
Liên tiếp từ đó cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng 30/4/1975, VNTTX liên tục chia sẻ nhiều cán bộ tài năng, đức độ, nhiều trang thiết bị, nhiều nguồn vật chất và kỹ thuật cho TTXGP.
Trong suốt những tháng gần ngày 30/4/1975, tại đại bản doanh (Tổng xã) ở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, không khí làm việc của VNTTX vô cùng nhộn nhịp và đầy ắp khí thế cách mạng: Tổng Giám đốc Đào Tùng dẫn đầu một đoàn cán bộ có nhiều kinh nghiệm vào thẳng GPX, đóng ở trong R để chuẩn bị tiến vào Sài Gòn. Đồng chí Phó Tổng Giám đốc Đỗ Phượng, dẫn đầu một cánh quân đi theo hướng Quảng Trị -Thừa Thiên Huế vào Quảng Đà để từ đó vào tiếp Nam Bộ. Các ban biên tập, ban ảnh, trung tâm kỹ thuật... làm việc ngày đêm để chuẩn bị về người, máy móc, trang thiết bị để đi theo các mũi tiến công của ta vào chiến trường miền Nam khi đó.
Trong ngày 30/4/1975, số 5 Lý Thường Kiệt trở thành trung tâm duy nhất phát tin cho cả nước về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Gần như toàn dân Hà Nội đã kéo đến trực tiếp hoặc hướng về số 5 Lý Thường Kiệt để được đọc và nghe thông tin chiến thắng từ chiến trường chuyển ra. Người dân Hà Nội đứng chật sân số 5 Lý Thường Kiệt, đứng kín cả con đường dưới nhà số 5, vườn hoa Tao Đàn kéo đến tận Nhà hát lớn Hà Nội... Họ vừa nghe tin, vừa reo hò, cùng với những tiếng pháo nổ ran phát ra từ nhà số 5 Lý Thường Kiệt. Thật là một ngày lịch sự có một không hai, đã là cán bộ của TTXVN sống vào thời gian đó không ai có thể quên được...
Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ với chúng tôi, như để gửi gắm đến thế hệ làm báo của TTXVN ngày nay, nhà báo Hồ Tiến Nghị trải lòng:
“Dù cho ngày tháng trôi qua
Truyền thống Thông tấn chúng ta vẫn còn
Xứng đáng là những cháu con
Của một ngành đã bao phen anh hùng
Anh hùng đánh giặc ngoại xâm
Anh hùng đổi mới chuyển vần nước non
Bao lần được tặng huân chương
Sao Vàng, tên Bác, huân chương các ngành
Mong rằng các chị, các anh
Phải luôn gìn giữ những danh giá này
Để cho mãi mãi sau đây
Thông tấn vẫn mãi là ngành vinh quang”...