Ngày 1/7/2010, ông Vi Ngọc Sáng trúng tuyển công chức Văn hóa - Xã hội xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, là khu vực vùng cao biên giới thuộc Chương trình 135, thời gian tập sự 12 tháng. Từ khi hết thời gian tập sự đến nay ông chưa được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần bằng 10 tháng lương tối thiểu.
Ông Sáng hỏi, thời gian công tác đối với công chức được tính từ khi nào, ông có được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần không? Trong thời gian công tác ông tự bỏ kinh phí và thời gian để học đại học thì ông có được thi nâng ngạch công chức không? Những khu vực đặc biệt khó khăn có được miễn thi nâng ngạch không?
Về vấn đề này, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh trả lời như sau:
Về chế độ trợ cấp lần đầu đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, căn cứ Điều 6 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ, đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên đối với nữ và từ 5 năm trở lên đối với nam thì được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung. Như vậy, ông đủ điều kiện hưởng trợ cấp lần đầu theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.
Căn cứ Khoản 3, Điều 5 Thông tư số 08/2011/TTLT-BNV-BTC ngày 31/8/2011 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn về trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng quy định tại Điều 6 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP về cơ quan có thẩm quyền giải quyết trợ cấp lần đầu, đề nghị ông liên hệ UBND huyện Bình Liêu để được xem xét, giải quyết.
Về nâng ngạch cán bộ, công chức cấp xã, Khoản 4, Điều 3 Thông tư số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, công chức cấp xã đã được xếp lương theo một trong các ngạch công chức hành chính quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu sau đó có thay đổi về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định cử đi đào tạo thì kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp được xếp lương theo trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ mới.
Theo Khoản 3, Mục III, phần A Hướng dẫn số 1964/HD-SNV ngày 10/12/2015 của Sở Nội vụ, việc nâng ngạch đối với cán bộ, công chức cấp xã được thực hiện thông qua hình thức thẩm định hồ sơ kết hợp phỏng vấn, kiểm tra hiểu biết về kiến thức chung và nghiệp vụ chuyên ngành.
Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp công chức cấp xã không có quyết định cử đi đào tạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì không đủ điều kiện tham gia thi nâng ngạch.
Hiện nay, chưa có quy định về việc miễn thi nâng ngạch đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.