Xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông nằm cách trung tâm thị xã Bắc Kạn quãng 10 km, cho đến nay vẫn thuộc diện xã nghèo, được hưởng ưu đãi của Chương trình 135. Tuy nhiên, xã này đang gặp khó trong nỗ lực thoát nghèo khi con đường độc đạo từ xã ra trung tâm xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Hàng hóa, nông sản của người dân làm ra khó tiêu thụ, giá thành giảm, lỗi vẫn tại… đường lầy lội.
Đường liên xã Đôn Phong trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, người tham gia giao thông rất nguy hiểm. Ảnh: Nguyễn Trình/TTXVN |
Vào một ngày thời tiết đẹp, chúng tôi vào Đôn Phong, tuyến đường chỉ dài chừng 10 km, nhưng có khoảng 5 km thuộc xã Dương Quang, thị xã Bắc Kạn đã được đổ bê tông, phần còn lại là đường đá được làm từ năm 2002, nay đoạn thì lầy lội với những hố bùn đất, đoạn gồ ghề những đá to, đá nhỏ lởm chởm. Người dân đi xe máy không cẩn thận rất dễ ngã, còn các cháu đi học bằng xe đạp thì đoạn dắt, đoạn đi, quá vất vả. Chúng tôi đi bằng xe máy cũng mất hơn một tiếng đồng hồ mới tới được trung tâm xã.
Theo Chủ tịch UBND xã Đôn Phong Trịnh Xuân Thành thì sau gần 15 năm được hưởng lợi từ Chương trình 134, 135 xã đã làm được đường từ trung tâm xã đến 8/10 thôn, bản. Các tuyến đường liên thôn đang dần phát huy được hiệu quả, tuy nhiên con đường chính để đưa hàng hóa đi tiêu thụ thì xuống cấp quá, nông sản người dân làm ra như dong riềng, khoai môn, cam, quýt đều bị giảm giá do vận chuyển khó. Xe ô tô đi vào tuyến đường này còn khó, nên vận chuyển chủ yếu vẫn là dùng xe máy, vừa tốn kém, vừa mất nhiều công, mà nông sản còn bị hỏng do đường xóc.
Ông Chu Văn Huấn, ở thôn Bản Riềng, xã Dương Quang, thị xã Bắc Kạn cho biết: Tuyến đường này xuống cấp từ năm 2009, đã hơn 5 năm, mỗi năm đường càng hỏng nhiều hơn. Đến nay đi trên con đường này quá khó khăn, đặc biệt là các cháu học sinh hằng ngày phải đi trên con đường lầy lội này đến trường, gặp những hôm trời mưa, nhìn các cháu lội bùn đất đến trường mà buồn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị trong các lần tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu quốc hội, của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, mọi người ghi nhận và đã nhiều lần hứa sẽ quan tâm để làm đường, nhưng mãi vẫn chỉ là lời hứa.
Bà Ngôn Thị Chanh, Bí thư Đảng ủy xã cũng rất “ngán ngẩm” khi chúng tôi hỏi về tuyến đường này: “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều, tỉnh cũng đã hứa nhiều. Báo chí đến gặp chúng tôi trao đổi nhiều, rồi cũng đăng trên cả báo Trung ương, báo tỉnh, đài truyền hình tỉnh, nhưng tuyến đường thì vẫn không được quan tâm đầu tư, càng ngày càng xuống cấp. Hiện Đôn Phong là xã trồng được nhiều quýt nhất, đây được coi là cây xóa nghèo, vì mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng với đường xá như thế này, sản phẩm quýt đang bị mất giá, thậm chí tư thương không đến mua, người dân phải tự đưa ra ra thị xã Bắc Kạn để bán, nhưng đường sóc, quýt bị dập nhiều, giá giảm đến gần một nửa so với thị trường”.
Bí thư chi bộ bản Nà Pán, ông Lý Tiến Lợi cho biết đường không được duy tu, bảo dưỡng, lại không có rãnh thoát nước nên mưa là nước đọng trên đường. Mấy năm trước, khi làm thủy điện Nặm Cắt, xe tải to đi vào thường xuyên, đi nhiều xe lắm nên đường bị phá hỏng hết. Không biết đến bao giờ mới thoát cảnh lầy lội trên con đường này. Nà Pán có nhiều gia đình trồng quýt, gia đình tôi cũng trồng nhiều, nhưng do đường xấu, khó bán và giá xuống thấp. Quýt nếu bán tại nhà chỉ được khoảng 7.000-10.000 đồng/kg, ở ngoài chợ, những người bán hàng đều bán giá 15.000-25.000 đồng/kg.
Thiết nghĩ đây là vấn đề dân sinh, nhiều đời chủ tịch tỉnh Bắc Kạn đã biết, đã hứa, nhưng người dân Đôn Phong vẫn chỉ biết chờ và đợi, không biết họ còn phải đợi đến bao giờ để mỗi khi ra đường không phải nơm nớp nỗi lo té ngã…