Củng cố y tế cơ sở
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần thay đổi tư duy trong công tác phòng, chống dịch để đạt hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới và khắc phục được những hạn chế đã xảy ra. “Chúng ta phải xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở. Đây không phải lần đầu tiên vấn đề y tế cơ sở được đưa ra. Bản thân tôi tham gia đại biểu Quốc hội đã 3 khóa và tôi nhớ trong tất cả các khóa đều chỉ có một chỉ tiêu là dành 30% ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu ý kiến.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải có một chính sách xuyên suốt, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phải có những chính sách cụ thể. Cần giải quyết được những vấn đề căn cơ để không bị động. Về y tế cơ sở, một số đại biểu Quốc hội cho rằng không phải chỉ có vấn đề về ngân sách, mà còn vấn đề về nhân lực. Làm sao để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, có đủ năng lực để hoạt động cho tốt…
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng, thực tiễn chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng vừa yếu về đội ngũ, lại thiếu trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ.
“Chỉ xét riêng năng lực phòng, chống bệnh lây nhiễm trước đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, số trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh làm được xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 cũng rất hạn chế. Và đến nay, phần lớn các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử nên việc xét nghiệm đều dồn về tỉnh và thành phố, làm chậm trễ công tác xác định ca bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống dịch, khi dịch ở mức độ bùng phát”, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho hay.
Về hệ thống điều trị, đại dịch COVID-19 như một phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị thực sự của y tế, bệnh viện. Các bệnh viện chưa bảo đảm cung ứng được trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đặc biệt vấn đề cơ chế tài chính.
Đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết
Thời gian tới, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó khăn, khó lường, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ quan điểm của Thủ tướng, đó là phải thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách zero COVID.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định cần thích ứng an toàn và lâu dài với COVID-19. Vì vậy, trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể, ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho rằng, cần thực hiện 6 mục tiêu lớn, gồm một tăng, hai giảm, ba bảo đảm. Cụ thể đó là tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, giảm tỷ lệ người mắc COVID-19, giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19, bảo đảm phục hồi kinh tế - xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, bảo đảm xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh như sức khỏe tinh thần của người dân, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên, tình trạng thiếu lương thực ở một bộ phận người dân nghèo, tình trạng gia tăng người vô gia cư tại một số thành phố lớn.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng tiếp tục chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với nguyên tắc xuyên suốt, đó là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, là nhiệm vụ hàng đầu và là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc chuyển trạng thái nhưng cần tránh tâm lý chủ quan, lúc quá tả, lúc quá hữu.
“Thực tế cho thấy chống dịch và duy trì phát triển kinh tế là hai mặt trận song hành. Việc phục hồi mở cửa kinh tế phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch. Ngược lại, nếu không có nền tảng kinh tế thì không có lực để chiến đấu với dịch bệnh. Trong hoàn cảnh đặc biệt, cần chú trọng công tác dự báo, không để bị động, bất ngờ, chủ động trong phòng, chống dịch chứ không đuổi theo dịch”, đại biểu Trịnh Xuân An nêu ý kiến.
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với việc xây dựng triển khai toàn diện, hiệu quả chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở đánh giá tổng kết toàn diện công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Trong chiến lược này, vấn đề vaccine vẫn phải coi là trụ cột. Cần tiếp tục đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Đến thời điểm này, ta đã tiêm được gần 90 triệu liều. Đây là con số rất ấn tượng, khẳng định nỗ lực của ngành y tế. Tuy nhiên, số tiêm đủ 2 mũi vaccine mới chỉ 27,7%, còn rất xa so mục tiêu 70%. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch, khi số ca mắc đang có xu hướng tăng, biểu đồ dịch đang chuyển màu, cấp độ nguy cơ của đợt dịch mới đang hiện hữu, các địa phương cần tính toán đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hơn nữa, nhất là ở các địa phương đang bùng phát dịch mạnh thì cần phải bao phủ vaccine càng sớm càng tốt.
Cần dự liệu phương án tiêm vaccine mũi thứ ba và xúc tiến thuốc chữa COVID cho nhân dân, vì thực tế vaccine chỉ có hiệu quả trong thời gian nhất định mà COVID thì biến đổi không ngừng.