Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Phú Yên từ tháng 1/2019 đến 27/8, tỉnh Phú Yên đã xảy ra 59 vụ cháy làm thiệt hại 825 ha rừng, chủ yếu rừng trồng keo, bạch đàn, trong đó rừng trồng của các tổ chức, doanh nghiệp là 144 ha, rừng trồng của hộ dân là 0 ha. Riêng 3 huyện Phú Hoà, Tây Hòa và thị xã Sông Cầu đã xảy ra 29 vụ cháy làm thiệt hại 678 ha rừng trồng.
Nguyên nhân xảy ra cháy rừng tại Phú Yên là do nắng nóng gay gắt kéo dài làm lớp thực bì các cánh rừng khô, dễ bắt lửa, kết hợp với gió Tây Nam thổi mạnh tạo ra nhiều điểm cháy, phát triển lan nhanh khó kiểm soát. Ngoài ra, địa hình phức tạp nhiều đồi núi cao, việc điều động lực lượng, phương tiện tiếp cận hiện trường khi xảy ra cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận chủ rừng, người dân, sử dụng lửa trong rừng, ven rừng còn chủ quan, không tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy rừng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên xác định hiện có hơn 100 ha rừng trồng đang có nguy cơ cháy cao, đặc biệt là 2.741 ha rừng bạch đàn, phi lao, sao đen tại các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa và thị xã Sông Cầu, diện tích này đã bị chết khô do nắng hạn.
Sau khi đi kiểm tra thực tế hiện trường một số vụ cháy rừng tại Phú Hòa, Tây Hòa và thị xã Sông Cầu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Trọng Kim đề nghị Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm, cán bộ quản lý bảo vệ rừng, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân không sử dụng lửa trong rừng, ven rừng. Đặc biệt, đang vào thời điểm nắng nóng đỉnh điểm, chính quyền địa phương có thể ra các lệnh không được đưa người và phương tiện vào các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Các địa phương cần chủ động phòng chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, phát hiện, huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện chữa cháy, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.
Với các vụ cháy rừng trong thời gian vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Trọng Kim đề nghị các địa phương cần phối hợp với lực lượng chức năng khắc phục, điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân xảy ra cháy rừng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, có biện pháp rà soát diện tích rừng bị cháy, khoanh nuôi, phục hồi lại các diện tích rừng bị thiệt hại.