Video cuộc sống ngột ngạt tại chung cư cũ giữa quận nội đô:
Khu tập thể nằm trên phố Lê Phụng Hiểu, đã tồn tại hàng chục năm nay. Mặt tiền tầng 1 của khu tập thể được các hộ tiểu thương sửa sang khang trang để bán hàng hoặc cho thuê kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách hàng, phương tiện tấp nập ra vào. Nhưng vượt qua sự tấp nập, khang trang ấy, bước vào phía bên trong khu tập thể, sẽ chứng kiến một cuộc sống chen chúc, ngột ngạt tới mệt mỏi của người dân nơi đây.
Đập vào mắt là cảnh xe máy của cư dân để bừa bãi trên sân khu tập thể. Cùng với đó là tình trạng cơi nới "chuồng cọp" tăng diện tích không gian sinh hoạt diễn ra tràn lan, thiếu hệ thống an toàn phòng cháy chữa cháy; các loại dây điện, dây viễn thông chăng tơ quấn quanh các bức tường "rối như tơ vò", quần áo các nhà phơi phóng lộ thiên...
Đáng chú ý là trong không gian này có cả "khu trưng bày" cho máy bơm nước, với hệ thống ống nước chồng chéo chi chít lên nhau có một không hai. "Khu trưng bày" máy bơm nước tại đây được các cư dân lý giải là do hệ thống bể chứa nước trên tầng thượng của khu tập thể có tuổi đời gần 50 năm này quá nhỏ, xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, nên cư dân đã phải làm thêm bể ngầm ở góc sân tập thể và số máy bơm đủ loại của các hộ dân được xếp tập trung vào một nơi để tiện sửa chữa, thay thế, đảm bảo hút được nước phục vụ sinh hoạt. Vào những năm 90, hệ thống máy bơm vẫn để thoải mái ngoài trời, nhưng do bị mất trộm nhiều, khiến các hộ gia đình thống nhất "quy về một mối"...
Qua tìm hiểu, Hà Nội hiện có hơn 1.500 khu tập thể, chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1960 - 1980 của thế kỷ trước, tập trung chủ yếu tại các quận như: Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm… Trong số này có đến 42 nhà thuộc diện nguy hiểm, trong đó 2 nhà nguy hiểm cấp độ D (mức cực kỳ nguy hiểm), một nhà ở cấp độ B và 39 nhà ở cấp độ C. Điều dễ nhận thấy trong nhiều khu tập thể này là sự nhếch nhác, xuống cấp nghiêm trọng, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Song, bất chấp những cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các khu tập thể cũ, nhiều hộ dân vẫn ở lại nơi mà họ đã gắn bó mấy chục năm.
Theo rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội, phần lớn các khu tập thể cũ của Thủ đô được xây dựng theo mô hình chung cư cũ trước năm 1975. Các công trình cũ qua thời gian sử dụng, các hộ dân đã cải tạo, sửa chữa, cơi nới… gây khó khăn cho việc thẩm định, đánh giá sơ bộ ban đầu, làm cơ sở để di dời, xây dựng lại hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều khu tập thể cũ do nằm ở vị trí "đắc địa", người dân không muốn dời đi, có những đòi hỏi phức tạp trong quá trình thực hiện dự án xây dựng lại.
Theo TS.KTS Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, để chương trình cải tạo, xây dựng lại tập thể, chung cư cũ thành công, cần nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến giải tỏa đền bù, tái định cư, lựa chọn nhà đầu tư, huy động vốn và lợi ích của các bên liên quan theo hướng rõ ràng, đồng bộ.
TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 329/KH-UBND về nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại tập thể, chung cư cũ, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đánh giá tổng thể các khu tập thể, chung cư cũ và xác định danh mục ưu tiên các dự án cải tạo, xây dựng lại trong giai đoạn 2022 - 2025. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023.