Đà Nẵng mở các điểm bán cá sạch

UBND thành phố Đà Nẵng giao cho các quận, huyện, tại mỗi chợ trên địa bàn chọn một điểm bán cá sạch, các địa phương triển khai bán cá bắt đầu từ sáng 2/5.

Những ngày gần đây, trước thông tin cá biển chết từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và xuất hiện một số cá chết bị phân hủy mạnh dạt vào bờ biển Đà Nẵng đã khiến nhiều tiểu thương, ngư dân gặp khó khi cá đánh bắt về không bán được.

Trước thực trạng trên, sáng ngày 1/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn với các sở, ban, ngành, các quận, huyện, bàn về giải phải giúp ngư dân tiêu thụ cá.

Theo đó, UBND thành phố giao cho các quận, huyện, tại mỗi chợ trên địa bàn chọn một điểm bán cá sạch, các địa phương triển khai bán cá bắt đầu từ sáng 2/5. Nguồn gốc cá do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua một đơn vị tư nhân thực hiện hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp thực hiện. UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Công Thương, các quận, huyện phối hợp hướng dẫn thêm về giá bán, chất lượng cá, tên người bán hàng, thời gian, địa điểm, vị trí bán cá thông báo rộng rãi để nhân dân biết. Bên cạnh đó, lựa chọn cửa hàng, cơ sở ăn uống chuyên bán hải sản để xác định địa điểm bán thủy sản, cá sạch để tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết địa điểm đến ăn uống.

Khách hàng mua cá tại chợ Đống Đa, Đà Nẵng. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước thông tin cá chết đã khiến tâm lý của người dân trên địa bàn thành phố hoang mang, nhiều gia đình không dám ăn cá. Hiện nay, tại âu thuyền cá Thọ Quang còn khoảng 15 tấn cá của ngư dân đánh bắt về không tiêu thụ được. Dù cơ quan chức năng có kết luận nước biển tại khu vực Đà Nẵng đảm bảo an toàn, cá khai thác của ngư dân đảm bảo sạch, có nguồn gốc, tâm lý người dân vẫn có phần e ngại.

Đại diện Phòng Kinh tế của quận Hải Châu cho biết, người dân lo ngại việc cá chết không bán được sẽ ủ làm mắm, nước biển nhiễm độc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng muối ăn nên người dân đã đổ xô đi 2 mặt hàng này để tích trữ, khiến nhiều cửa hàng kinh doanh những mặt hàng này "cháy hàng".

Ông Lưu Quang Khánh, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản Đà Nẵng cho biết, hiện còn khoảng 15 tấn thủy sản đảm bảo chất lượng nhưng chưa thể bán do tâm lý lo ngại, e dè của người dân trước thông tin cá chết. Trong khi đó, những ngày sắp tới sẽ có khoảng 250 tàu cá của Đà Nẵng trở về. Khó khăn nhất là việc kiểm soát khoảng 400 tàu cá từ địa phương khác ra vào thường xuyên âu thuyền cá Thọ Quang nên khó có thể kiểm soát các thuyền đánh bắt cá ở tọa độ an toàn hay không. Bên cạnh đó, mỗi sáng tại âu thuyền cá Thọ Quang đón khoảng 2.000 - 3.000 lượt người vào chợ mua thủy sản và 1.600 lượt xe từ các chợ khác thu mua nên khó quản lý nguồn gốc, cung cấp thông tin, địa điểm buôn bán cá sạch, cung cấp giá bán.

Tiếp thu những ý kiến của các sở, ban, ngành và các địa phương, ông Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý âu thuyền cá Thọ Quang, Bộ đội Biên phòng kiểm soát số lượng tàu, thuyền ra vào bến, xác định tọa độ thuyền hoạt động, đánh bắt để đảm bảo an toàn chất lượng cá khi vào bờ; tuyên truyền tới các tàu, thuyền đang chuẩn bị vào bờ thị trường cá Đà Nẵng vẫn tiêu thụ bình thường tránh gây tâm lý hoang mang cho ngư dân.


UBND thành phố yêu cầu các công ty thu mua thủy sản chuẩn bị máy móc, phương tiện kỹ thuật, tài chính để giải phóng tàu sớm khỏi cảng, thu mua, phân loại bán cá sạch ra cho người dân, qua kênh quản lý của nhà nước. Về phía Cảng cá Thọ Quang phải đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, đối với cá không rõ nguồn gốc, xuất xứ phải xử phạt nghiêm khắc, không cho vào cảng. UBND thành phố đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại âu thuyền cá Thọ Quang để kiểm soát tàu, thuyền ra vào bến và chất lượng hải sản khi cung cấp lên bờ, Ban Chỉ huy tiền phương do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng ban.

Trước đó, chiều ngày 30/4, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có buổi đối thoại trực tiếp với ngư dân, tiểu thương tại âu thuyền cá Thọ Quang và thưởng thức hải sản của ngư dân đánh bắt ngay tại đây. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các ngành chức năng phải kiểm soát nguồn cá, khuyến cáo ngư dân không đánh bắt cá gần bờ ở khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Kiểm soát các tuyến giao thông, chủ động phát hiện, ngăn chặn nguồn cá không rõ nguồn gốc đưa vào các chợ đầu mối và đưa vào các kênh tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, phải kiểm soát các phương tiện để đảm bảo tàu đánh bắt ở các khu vực an toàn. Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ cũng yêu cầu bếp ăn tập thể tại Trung tâm hành chính thành phố sử dụng cá vào buổi trưa ngay sau kỳ nghỉ lễ, các hệ thống phân phối hải sản trên địa bàn thành phố phải xác nhận và chịu trách nhiệm về nguồn gốc cá để người tiêu dùng an tâm. 

Cũng trong sáng 1/5, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cùng các lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, các sở, ngành thành phố Đà Nẵng đã đến tắm biển tại bãi biển Sao Biển (quận Ngũ Hành Sơn). Đây là sinh hoạt hàng ngày của các lãnh đạo thành phố Đà Nẵng để tăng cường sức khỏe, từ đó khẳng định: "Biển Đà Nẵng rất an toàn", khiến du khách yên tâm hơn khi đến nghỉ dưỡng, tắm biển.

Đinh Văn Nhiều (TTXVN)
Kiểm định cá cập bến 24/24 giúp người dân yên tâm sử dụng
Kiểm định cá cập bến 24/24 giúp người dân yên tâm sử dụng

Tối 30/4, những tàu cá đánh bắt xa bờ đã đưa về những con cá tươi ngon cho bà con đã cập cảng cá Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình). Những tưởng cá vào sẽ không bán được nhưng khi chuyến tàu cập cảng, các đơn vị chức năng đã có mặt để kiểm tra chất lượng cá để mọi người có thể an tâm ăn cá trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN