Theo đó, Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Trung ương và thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tuân thủ nghiêm túc các phương pháp, quy định về phòng, chống dịch; xác định việc chống dịch là lâu dài và phải dần hình thành thói quen, nếp sống, văn hóa trong sinh hoạt, giao tiếp xã hội phù hợp.
Các cơ quan chức năng cần làm tốt, hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, truyền thông để người dân luôn đề phòng, nắm bắt những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là, nhưng cũng không hoang mang, có ý thức tự bảo vệ sức khỏe.
Ngành Y tế cần đảm bảo đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để duy trì năng lực kiểm soát, xét nghiệm, điều trị, phòng, chống dịch; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, phát hiện, truy vết và có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng xác định: Đà Nẵng thực hiện đồng bộ chủ trương về khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội theo chỉ đạo của Trung ương và Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 19/5/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Các cấp, ngành chủ động rà soát và có phương án, giải pháp căn cơ, cụ thể nhằm hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; tập trung chuẩn bị tốt công tác tổ chức Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Các ngành, cấp tiếp tục đổi mới cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành theo hướng rõ người, rõ việc, chủ động, quyết liệt trong thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, các hình thức trực tuyến trong xử lý công việc, hội họp, phù hợp với tình hình dịch bệnh và mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh...
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa lưu ý: Trước mắt, thành phố cần triển khai xét nghiệm diện rộng trong tuần đầu tháng 9/2020 để có cơ sở đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, kịp thời phát hiện và có biện pháp ứng phó, kiểm soát; đồng thời tạo cơ sở chuyển trạng thái, quản lý kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Thành phố cũng khẩn trương ban hành các quy định quản lý, yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương chủ động rà soát, xây dựng kịch bản, kế hoạch khắc phục khó khăn trong phát triển kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, trọng tâm hướng tới khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; khuyến khích tiêu dùng nội địa; tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn; tích cực thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các công trình, dự án trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đề ra...