Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Thiếu một "nhạc trưởng"
Đây là vụ gian lận thương mại với số lượng lớn, mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài. Người tiêu dùng phải trả tiền để mua hàng thật, nhưng bị mua phải hàng rởm. Rõ ràng, quyền lợi người tiêu dùng bị vi phạm, nó thể hiện sự quản lý không chặt chẽ của cơ quan chức năng. Ở đây có vai trò của cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương tại nơi doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại.
Từ vụ việc này, khi trách nhiệm của các cơ quan bị đùn đẩy, nó đặt ra cho chúng ta một suy nghĩ lớn hơn, đó là khi xảy ra một vụ việc cụ thể thì không quy được trách nhiệm cụ thể, vì có nhiều cơ quan cùng quản lý. Nhiều cơ quan có trách nhiệm, nhưng không có "nhạc trưởng" đúng nghĩa, nên hoạt động của cả hệ thống đó thiếu một cơ quan chịu trách nhiệm chính.
Nó khiến ta phải suy nghĩ về việc xây dựng hệ thống pháp luật và phân công trách nhiệm phải đảm bảo nguyên tắc: "Một công việc, một lĩnh vực quản lý thì giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính". Khi có vụ việc gì xảy ra, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Hiện nay, việc phân công trách nhiệm chưa rõ, nên không quy được trách nhiệm cho một cá nhân cụ thể nào.
Tại các nước thì việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đề cao, chẳng hạn trong các vụ việc cháy xe hay lỗi kỹ thuật phải triệu hồi sản phẩm, thì Nhà nước phải đứng ra chủ trì, doanh nghiệp có trách nhiệm đền bù, người dân được đảm bảo quyền lợi.
Với xăng dầu của chúng ta, hiện có nhiều doanh nghiệp cung cấp, kinh doanh, mua bán nhỏ lẻ, không có hóa đơn chứng từ, nên việc đảm bảo quyền lợi, đền bù cho người tiêu dùng hiện nay khó khăn. Người tiêu dùng nên mua hàng tại các cửa hàng, đại lý xăng dầu hợp pháp, uy tín, có thương hiệu, đảm bảo chất lượng. Khi mua bán, người tiêu dùng có quyền và nên yêu cầu xuất hóa đơn chứng từ để làm cơ sở đảm bảo quyền lợi.
Đại biểu Hồ Thị Minh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Rất khó để quy trách nhiệm của Bộ nào
Xăng giả ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Nhưng khi có sự cố thì trách nhiệm đùn đẩy giữa Quản lý thị trường và Sở Khoa học - Công nghệ của tỉnh đó, không ai nhận trách nhiệm bởi các văn bản hiện nay đều có sự chồng chéo trách nhiệm các Bộ, ngành. Rất khó quy đâu là trách nhiệm của Bộ Công Thương, đâu là trách nhiệm của Bộ Khoa học - Công nghệ hay Hải quan.
Người dân hiện không biết kiện ai vì theo thói quen, đổ xăng không lấy hóa đơn. Bây giờ muốn kiện thì không có chứng cứ để đòi quyền lợi. Trong khi các cây xăng chủ yếu tính đến lợi nhuận, cơ quan chức năng không kiểm soát, nên thiệt hại thuộc về người dân.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Có sự buông lỏng quản lý
Để xảy ra việc sản xuất xăng dầu giả quy mô lớn là do có sự buông lỏng quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương và các Sở Công Thương, UBND các tỉnh trong quản lý xăng dầu. Để xảy ra tình trạng này, trước tiên là thiệt hai cho người tiêu dùng và người dân sẽ đánh giá thấp các cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực này.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội: Xem xét việc thông đồng, bảo kê
Việc này đã xảy ra từ lâu, trong thời gian dài và có thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy, trước hết phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Đặc biệt là cơ quan phụ trách tại địa bàn đó không nắm được vi phạm. Nếu thông đồng, bảo kê, bao che... thì đó lại là đồng phạm chứ không còn đơn giản là trục lợi nữa.