Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa kiểm tra các dụng cụ chứa nước của người dân. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN |
Trong Công điện số 4585/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh trên, Bộ Y tế nêu rõ, đối với một số tỉnh đã bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ vừa qua, cần khắc phục nhanh hậu quả do mưa lũ gây ra, tập trung cùng các cấp, ban, ngành tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ bị thiếu đói, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, tuyệt đối không để người dân bị đói, bị thiếu thuốc khi ốm đau.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ lũ quét, ngập úng, sạt lở đất.
Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi mưa lũ đã rút, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ…; chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh.
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ, Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra.
Liên quan đến công tác khắc phục hậu quả mưa lũ của đợt lũ đầu tháng 8/2017 xảy ra với các tỉnh miền núi phía Bắc, Đoàn công tác của Bộ Y tế và Công đoàn ngành Y tế Việt Nam đã làm việc về công tác y tế tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) sau mưa lũ.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế đã lưu ý địa phương tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, tránh để dịch bệnh phát sinh, bùng phát; hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm nấu chín, uống sôi; tiếp nhận đề xuất về trang thiết bị của cơ sở.
Nhân dịp này, Bộ Y tế đã trao 30 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 30 bộ lều bạt phòng chống lụt bão và 50.000 viên cloramin B cho Trung tâm y tế huyện Mù Cang Chải.
Thông tin của ngành y tế Yên Bái cho thấy có 9 cán bộ y tế của ngành chịu ảnh hưởng của trận lũ quét, Công đoàn ngành y tế Việt Nam đã trích tặng 9 phần quà trị giá mỗi phần quà 5 triệu đồng để hỗ trợ, động viên các cán bộ. Bên cạnh đó, Công đoàn ngành y tế cũng hỗ trợ 3 đoàn viên công đoàn tại Trung tâm y tế huyện Mù Cang Chải bị mưa lũ, sạt lở đất làm mất, hư hỏng nhà, số tiền 60 triệu đồng để sửa chữa nhà theo chương trình "Mái ấm công đoàn".
Theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 13-16/8/2017, ở Bắc Bộ có mưa dông; riêng các tỉnh vùng núi phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300 mm.
Thời gian mưa lớn xảy ra tập trung về đêm và sáng. Từ ngày 14-17/8, trên thượng lưu sông Hồng có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên từ 1,5-3,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng đạt mức báo động 1 đến báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng.