Đảm bảo cung ứng rau trong dịp Tết

Trước ảnh hưởng của các đợt rét đậm từ nay tới Tết Nguyên đán, nhiều người dân lo ngại các mặt hàng rau, quả sẽ trở nên khan hiếm và tăng giá. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng, giá rau sẽ tăng hơn so với ngày thường nhưng nguồn cung thì không thiếu.

Giá rau tăng, củ, quả giảm

Thời tiết rét đậm trong hơn hai tuần qua đã khiến nguồn cung của một số mặt hàng rau xanh bị hạn chế, một số loại hàng rau xanh tăng giá, nhưng các loại củ, quả trồng được trong thời tiết lạnh như: Khoai tây, cà chua..., lại giảm giá vì đang vào vụ thu hoạch.

Bà Vũ Thị Mai, phố Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, cách đây khoảng hai tuần, tại chợ Trại Găng (phố Bạch Mai), rau muống mớ to giá chỉ khoảng 4.000 đồng/mớ, giờ đã lên 8.000 đồng/mớ, mớ nhỏ thì 4.000 đồng (trước đây khoảng 3.000 đồng); cải xoong lên 6.000 đồng/mớ (trước 4.000 đồng/mớ); cải cúc 3.000 - 3.500 đồng/mớ (trước 2.000 đồng/mớ); cải xanh, cải thảo 12.000 đồng/kg (trước 10.000 đồng/kg).

Trên địa bàn Hà Nội, những ngày gần đây giá rau xanh tiếp tục tăng nhẹ. Ảnh: Lê Phú


Theo bà Mai, "giá các loại rau, quả tăng mạnh từ đợt rét cuối tháng 12/2010. Trong những ngày gần đây, giá rau xanh tiếp tục tăng nhẹ. Theo một số cửa hàng cho biết, nếu cứ rét nữa thì giá rau trong dịp Tết sẽ còn tăng".

Không thiếu rau, thịt

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhu cầu rau của thị trường Tết sẽ tăng từ 10 - 15%. "Lường trước được tình hình, chúng tôi đã chủ động hướng dẫn bà con nông dân chủ động gieo trồng các loại rau, củ, quả chịu được thời tiết lạnh như: Bắp cải, xu hào, khoai tây, cà chua... và các loại rau khác.


Đảm bảo đủ nguồn rau, củ cung cấp trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, không phải nhập khẩu rau".

Tuy nhiên, ông Ngọc cho biết: “Do thời tiết rét nên các loại cây, củ sẽ sinh trưởng chậm hơn bình thường, có thể làm cho nguồn cung đôi khi hạn chế, khiến cho giá tăng, nhưng đây lại là tín hiệu đáng mừng đối với bà con nông dân”.

Thời tiết quá lạnh không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển rau màu, mà còn làm cho gia súc, gia cầm chết hàng loạt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ảnh hưởng tới nguồn cung thịt trong dịp Tết.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời có thịt phục vụ bà con ăn Tết, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Thời tiết quá khắc nghiệt và kéo dài đã khiến gia súc, gia cầm không chống chịu được.


Rét đậm, rét hại được dự báo sẽ còn kéo dài nên chúng tôi đang gấp rút làm việc với tỉnh Sơn La và một số tỉnh khác để tìm các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm”.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): “Từ số liệu báo của 9 tỉnh miền núi phía Bắc, tính tới ngày 11/1 đã có hơn 2.500 con trâu, bò chết rét.


Trong đó, chủ yếu là nghé và trâu, bò già. Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng nhiều tới nguồn cung thịt trong dịp Tết sắp tới”.

“Rút kinh nghiệm từ đợt rét năm 2008, chúng tôi đã hướng dẫn bà con chủ động nguồn lương thực dự trữ, lùa trâu, bò xuống các vùng thấp hơn. Tuy nhiên, vì đợt rét vừa quá dài và đậm nên vẫn gây ra thiệt hại”, ông Sơn cho biết.

Về nguồn cung thịt cho dịp Tết tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, ông Sơn khẳng định: “Theo báo cáo của các trung tâm chăn nuôi, gia súc, gia cầm quanh địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, do dự báo được tình hình rét đậm, rét hại kéo dài nên các trung tâm đã chủ động phòng chống rét cho gia súc, gia cầm.


Do vậy, không xảy ra tình trạng gia súc, gia cầm chết hàng hoạt. Vì vậy, nguồn cung thịt gia cầm, gia súc cho thị trường Tết năm nay sẽ không khan hiếm hay tăng giá. Hiện giá thịt gia súc, gia cầm ở các chợ vẫn đang ổn định”.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN