Dân khổ vì ga Bình Triệu mãi nằm trên giấy

Đất không giấy tờ, nhà không số, xây dựng không phép, đường vào rối rắm, chật hẹp, ô nhiễm nước thải… là tình cảnh chung của hàng nghìn hộ dân sống tại khu vực dự án ga đường sắt Bình Triệu, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từ suốt 14 năm qua.

Khu vực quy hoạch để xây ga Bình Triệu. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Từ chuyện di dời ga Sài Gòn

Trong mạng lưới đường sắt quốc gia Bắc - Nam, ga Sài Gòn (còn gọi ga Hòa Hưng) là ga cuối cùng và là một trong những ga đầu mối quan trọng nhất.

Do tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng dân nhập cư lớn nên áp lực giao thông ngày càng đè nặng lên TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, đường sắt chạy qua địa bàn (quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức) tạo nên 14 điểm giao cắt, gây nên tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm.

Đối với ga Bình Triệu, năm 2002, Kiến trúc sư trưởng Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/2000 khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu phường Hiệp Bình Chánh; trong đó, đất ga đường sắt Bình Triệu có cơ cấu sử dụng 41,5ha.

Để tháo gỡ bài toán kẹt xe khu vực nội đô, TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam xuyên quốc gia từ Hà Nội đến Cần Thơ không thiết kế tuyến đường sắt đi vào ga Sài Gòn hoặc nếu không xây dựng tuyến đường sắt trên cao vào ga Sài Gòn thì cần đưa ga Sài Gòn ra Suối Tiên (quận 9).

Tuy nhiên, quan điểm này không được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, đồng thời xây dựng phương án giữ nguyên hiện trạng, làm đoạn đường sắt trên cao từ ga Sài Gòn đến Bình Triệu (theo tính toán kinh phí thực hiện hơn 200 triệu USD).

Trên cơ sở tham mưu của Bộ Giao thông Vận tải, ngày 8/4/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 tại Quyết định 5/QĐ-TTg.

Theo đó, các tuyến đường sắt quốc gia hướng tâm, đường đôi, điện khí hóa, khổ đường 1.435mm, bao gồm xây mới tuyến tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai) về phía Nam và đoạn Bình Triệu – Hòa Hưng thành đường sắt trên cao (dài 41km).

Về ga đường sắt, xây dựng mới các ga trong khu đầu mối đường sắt TP Hồ Chí Minh bao gồm ga khách kỹ thuật phía Bắc (ga Bình Triệu với diện tích 41ha), ga khách trung tâm (ga Sài Gòn với diện tích 6,14ha) và ga kỹ thuật phía Nam (ga Tân Kiên với diện tích 75ha).

Đến tháng 6/2013, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối Tp. Hồ Chí Minh; trong đó, ga Bình Triệu là một trong các ga chính trong khu đầu mối, có chức năng tàu khách, đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.

Tiếp đó, tháng 9/2013, UBND Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đầu mối giao thông Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức; trong đó đất ga đường sắt có diện tích 47,35ha.

Thế nhưng 14 năm trôi qua, dự án đầu tư xây dựng ga Bình Triệu vẫn chưa được ban hành quyết định thu hồi đất, chưa phân định ranh giới cụ thể cũng như chưa có kế hoạch thực hiện. Từ đây, hàng nghìn hộ dân trong khu vực phải sống trong nỗi thấp thỏm, đi không được, ở cũng không xong.

Khốn khổ vì... quy hoạch

Sát con đường song hành đường sắt là những ngôi nhà cấp 4 xập xệ, dây điện chằng chịt, đường nhiều chỗ trũng, sình bùn. Khi được hỏi, nhiều người dân bức xúc cho biết, do dính quy hoạch nên họ không thể bán đất, cất nhà, tình trạng ngập nước thường xuyên, thậm chí nhiều nhà không có số, xuống cấp mà không thể sửa sang.

Đa số người dân chỉ dám đầu tư các công trình nhỏ, xây nhà trọ xập xệ cho thuê với giá rẻ nên nơi đây tập trung nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, gây nhiều gây khó khăn trong quản lý, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn.

Bà Phùng Thị Truyền (ngụ khu phố 2 phường Hiệp Bình Chánh) cho biết, gia đình có 6 người, đang cùng chung sống trong ngôi nhà chỉ rộng 50m2. Nhiều lần gia đình tính xây thêm tầng để tiện sinh hoạt nhưng vướng quy hoạch nên không thực hiện được, khiến mỗi khi có việc, con cháu về chơi không có cả chỗ ngồi.

Theo ông Phạm Văn Na, ngụ ấp Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh, do dính quy hoạch nên người dân muốn cất nhà cũng không dám, chưa kể nhiều nhà không có sổ hồng do mua giấy tờ viết tay nên thế chấp vay mượn ngân hàng rất khó khăn.

Còn theo bà Đinh Thị Dung, Tổ trưởng tổ 9 (phường Hiệp Bình Chánh), Tổ 9 hiện có 150 hộ; trong đó, chỉ có 70 hộ có hộ khẩu, 40 hộ có KT3, còn lại là dân tạm trú. Bản thân gia đình bà về đây ở từ năm 1991, nằm trong ranh giới quy hoạch nhưng thông tin chính thức chưa có, chỉ được biết trong mỗi lần đi họp chứ không biết mốc dự án nằm ở đâu.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết, do ảnh hưởng của quy hoạch ga đường sắt Bình Triệu nên hệ thống hạ tầng ở đây chưa được đầu tư.


Thậm chí đường song hành cũng đã xuống cấp trầm trọng, có nhiều hố sâu, các phương tiện giao thông không thể đi lại. Một số khu vực bị bỏ hoang, cỏ dại mọc nhiều thành ao tù gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Đồng thời, hệ thống thoát nước của khu vực này chủ yếu thoát tràn qua các mương hở nên gây ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường.

Cả khu vực rộng 47,35ha chỉ có một số đường giao thông chính (đường song hành đường sắt – đường 37, đường 49) nhưng cũng chỉ rộng 5m; các đường giao thông còn lại không theo quy hoạch nào nên chỉ rộng 1 – 3m, ngoằn nghèo khó đi, gây khó khăn cho công tác phòng cháy chữa cháy khi xảy ra sự cố.

“Quy hoạch dự án đã khiến 3.257 hộ gia đình (khu phố 2, 6, 7, phường Hiệp Bình Chánh) với hơn 15.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Việc chậm triển khai dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của người dân như cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở tạo lập sau ngày công bố quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng…”, ông Trần Văn Dũng cho biết thêm.

Để đảm bảo cuộc sống của người dân khu vực, UBND quận Thủ Đức kiến nghị UBND thành phố có ý kiến với Bộ Giao thông Vận tải sớm có kế hoạch cụ thể, rõ ràng về thời điểm thực hiện đầu tư xây dựng ga Bình Triệu để người dân chấp hành, có thời gian chuẩn bị di dời chỗ ở ổn định.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, quy hoạch ga Bình Triệu bao gồm tuyến Hòa Hưng – Trảng Bom do Cục đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư; trong đó, đoạn từ ga Hòa Hưng đến ga Bình Triệu dài 8,8km dự kiến chi phí 8.100 tỷ đồng xây lắp và 15.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng.

Đoạn từ ga Bình Triệu đến Trảng Bom dự kiến cần khoảng 10.000 tỷ đồng để đầu tư. Vì tổng kinh phí xây dựng dự án quá lớn nên Bộ Giao thông Vận tải đang tìm nguồn vốn, nên mặc dù đã công bố quy hoạch nhưng chưa thể cắm mốc. Trong năm 2016, Cục Đường sắt – Bộ Giao thông Vận tải sẽ tìm vốn và tiến hành cắm mốc, ranh giới toàn tuyến.

Mới đây, tại buổi làm việc với UBND quận Thủ Đức, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải công bố công khai quy hoạch và tiến hành cắm mốc dự án ga Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh, hoàn thành trong quý III/2016.

Về tiến độ thực hiện dự án, ông Bùi Xuân Cường cho hay, trước mắt sẽ kiến nghị làm trước đoạn từ ga Hòa Hưng đến ga Bình Triệu, còn tại ga Bình Triệu, Sở Giao thông Vận tải thành phố sẽ phối hợp Cục Đường sắt Việt Nam cắm mốc, sau đó giao cho quận Thủ Đức quản lý và tiến hành giải tỏa trước một phần để tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng.

Trần Xuân Tình (TTXVN)
Cấp phép xây dựng phải nhanh hơn
Cấp phép xây dựng phải nhanh hơn

Theo Nghị quyết 19/2016/NQ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phải cải cách quy trình, thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng nhằm giảm thời gian và chi phí cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp. Động thái này của Chính phủ được coi là đã chạm được vào “nỗi nhức nhối” lâu nay của các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN