Dù cho đã tỉnh Cà Mau đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng nguồn lợi thuỷ sản ven biển trên địa bàn luôn bị xâm hại nghiêm trọng. Dù toàn tuyến ven biển đã có lệnh cấm từ lâu, mỗi ngày vẫn có hàng ngàn lượt người dùng đủ mọi hình thức, phương tiện để săn bắt thuỷ sản ven biển.
Đánh bắt thủy sản theo hướng tận diệt ở Cà Mau. Ảnh: agroviet.gov.vn |
Do yêu cầu cuộc sống thường nhật, người dân đã sử dụng phương tiện thô sơ bắt thuỷ sản như: lưới, nò, đó, te, lú , lờ...để bắt tôm, cua, các loại cá non. Số lượng người tham gia săn bắt quá đông làm cho tình hình ở đây luôn diễn biến phức tạp. Trật tự xã hội lộn xộn; môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đáng lo ngại nhất là với kiểu săn bắt như vậy, các loài thuỷ sản non đều bị huỷ diệt.
Ông Trần Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, đa số người tham gia săn bắt thuỷ sản trong khu vực cấm là người nghèo, cho nên khi bắt quả tang họ vi phạm thì cũng chỉ nhắc nhở, giáo dục, cùng lắm là tịch thu phương tiện chứ không thể xử nặng hơn. Vì các biện pháp xử lí không có tác dụng răn đe, số người vi phạm tiếp tục tăng, khó kiểm soát .
Tỉnh Cà Mau có bờ biển dài 252 km, đây là ngư trường rộng lớn, là bãi chứa hàng trăm loài thuỷ sản tới trú ngụ và sinh sản. Thực hiện quy định của Chính phủ, chính quyền địa phương đã nghiêm cấm từ đất liền ra 3 km không được săn bắt thuỷ sản với bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm ngư trường đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Trần Thành Nên