Từ đầu tháng 1/2020, hàng ngàn cành đào rừng có giá bán dao động từ 1 triệu đến 3,5 triệu đồng đang được bày bán khắp những con phố - chợ hoa Tết tại Hà Nội như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Tố Hữu... phục vụ thú chơi đào rừng của người Hà thành.
Thậm chí ngay cả trên những tuyến phố - chợ hoa gắn liền với các địa danh trồng đào truyền thống như Nhật Tân, La Cả… của Hà Nội, rất dễ để nhận thấy hàng ngàn cành đào rừng đang được bày bán xen kẽ với đào truyền thống. Thú chơi đào tết có từ xa xưa nhưng chơi đào rừng thì chỉ phổ biến thời gian gần đây.
Clip đào rừng được bày bán tại dọc đê chợ Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội:
Chị Lò Kim Tuyến (người dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên) cho biết, ngày trước đào rừng nở hoa rồi ra trái, người dân lên hái ăn hoặc nó rụng đầy cả chân núi. Còn mấy năm nay, do người miền xuôi thích dùng nó để trang trí ngày Tết nên có rất nhiều người đi vào rừng sâu chặt đào để bán cho lái buôn thu mua.
Chị Tuyến cho biết thêm, một gốc đào rừng 10 năm tuổi khi được vận chuyển về xuôi cũng bán được vài chục triệu đồng, tuỳ theo thế đào, dáng đào. Với những gốc đào trên 30 năm tuổi, lái buôn hét giá hơn 200 triệu hoặc hơn là bình thường.
Clip cành đào rừng Sa Pa được người dân Nhật Tân bán với giá 15 triệu đồng:
Tết năm nay, trên phố Lạc Long Quân đã xuất hiện gốc đào rừng đang được lái buôn quảng cáo là phải đi sâu vào vùng núi Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đến 50km mới tìm thấy nên “hét giá” 200 triệu đồng, thấp hơn nhất quyết không bán.
Bênh cạnh đó, những cành đào rừng cỡ nhỏ năm nay lên giá, được rao bán từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng/1 cành. Đa số đào rừng đều chưa ra hoa, hoặc lác đác vài nụ hoa nhỏ.
Clip các tiểu thương bán đào rừng dọc phố Lạc Long Quân:
Chị Bùi Bích Hồng, một người bán đào rừng ở đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) chia sẻ, giá đào rừng năm nay tăng là vì số lượng các gốc đào, cành đào to và đẹp đã giảm đáng kể. Nguyên nhân là do trước kia chỉ cần lên khoảng 20m trên núi là có thể tìm thấy thì nay để có được những gốc đào này cần đi lên cao hơn và khó khăn hơn rất nhiều. Trước kia chỉ vào bìa rừng là có thể chặt đào đem bán, nay muốn có gốc đào nhiều năm tuổi dáng đẹp thì phải đi sâu hàng chục km.
Với việc đào rừng ngập tràn phố phường Hà Nội cũng đồng nghĩa ở các khu rừng miền núi Tây Bắc đang ngày càng trở nên hoang tàn, xơ xác. Bởi để săn được những cành đào đẹp, đào to, người ta sẵn sàng chặt phá mọi thứ để săn đào cho bằng được. Còn đối với người miền xuôi thì lại cho rằng đó là “lộc rừng”, Tết đến Xuân về phải có “lộc” của đất trời trong nhà mới mang lại nhiều may mắn.
Những hình ảnh về đào rừng đang được bán ngập tràn trên các tuyến phố của Thủ đô.