Đáp ứng việc dạy học và nội trú
Theo Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở huyện Kế Sách (Sóc Trăng), trường hiện có 8 lớp với tổng số 270 học sinh, trong đó có 260 học sinh dân tộc thiểu số. Năm học 2023 - 2024, nhà trường được đầu tư ba nhà công vụ, hai phòng học, một nhà ăn và cải tạo sân đường hệ thống thoát nước, tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng, từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021- 2025.
Thầy Ngô Vân, Trường Phổ thông dân Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Kế Sách cho hay, những năm học vừa qua, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, việc dạy và học, sinh hoạt của học sinh dân tộc thiểu số nơi đây còn khó khăn, chất lượng giáo dục bị hạn chế. Năm học 2023 - 2024, được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang, thầy cô và các em học sinh rất phấn khởi. Việc thực hiện công tác giáo dục dân tộc đặc thù được đảm bảo.
Em Kim Ngọc Nhi, Trường Phổ thông dân Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở huyện Kế Sách phấn khởi chia sẻ, nhờ đầu tư cơ sở vật chất khang trang, phòng chức năng (cho giờ học thực hành), em thấy rất thoải mái. Kết quả học tập ngày càng tiến bộ.
Huyện Châu Thành có 49% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền địa phương luôn quan tâm cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng trường dân tộc nội trú.
Ông Đỗ Văn Nôl, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Dân tộc nội trú huyện Châu Thành thông tin, nhà trường được đầu tư nâng cấp 50 phòng ở nội trú của học sinh, 5 phòng công vụ, một nhà tập đa năng, nhà ăn, nhà bếp và 7 phòng học với tổng kinh phí xây dựng trên 10 tỷ đồng từ chương trình phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.
Ông Đỗ Văn Nôl cho biết thêm, sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của cấp trên đã tạo điều kiện cho nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số. Nhà trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường tiếp tục duy trì và phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào cuối năm 2024.
Tiếp tục quan tâm đầu tư
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, tỉnh hiện có 10 trường Phổ thông dân tộc nội trú, với 102 lớp và 3.352 học sinh vùng đồng bào dân tộc theo học. Từ năm 2022 đến nay, Sở được giao làm chủ đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất 5 trường dân tộc nội trú (huyện Châu Thành, huyện Kế Sách, huyện Mỹ Xuyên, huyện Long Phú và huyện Thạnh Trị), với tổng mức đầu tư trên 54 tỷ đồng, từ Dự án 5 phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Ông Danh Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng thông tin, nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của ngành Giáo dục, sự phối hợp của chính quyền địa phương và những chính sách phù hợp, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn có điều kiện thuận lợi học tập, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Năm 2024, Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất tại các trường dân tộc nội trú, dự kiến kinh phí trên 15 tỷ đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo các trường dân tộc nội trú thực hiện tốt Thông tư số 04/2023/TTGDĐT ngày 23/02/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.
Các trường triển khai kế hoạch đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên để thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý,... Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc nội trú nói riêng và chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.