Dạy bơi cho trẻ em: Vẫn "đánh trống bỏ dùi"

Mỗi ngày có 9 trẻ em tử vong do đuối nước. Bộ LĐTBXH cũng đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó việc dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em được xác định là một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, việc dạy bơi cho trẻ vẫn trong tình trạng đánh trống bỏ dùi.

Một lớp đào tạo kỹ năng phòng chống đuối nước do Thành đoàn phối hợp tổ chức

Đuối nước gia tăng

Thời gian qua, tình trạng học sinh đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh trong cả nước. “Chỉ mới đầu hè, nhiều vụ đuối nước đã được ghi nhận. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 5 đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương thâm gây tử vong cho nhiều học sinh như vụ 3 học sinh lớp 1 chết đuối dưới kênh ngày 6/5 tại tỉnh Long An, 4 nữ sinh lớp 7 đuối nước tử vong ngày 4/5 tại Khánh Hòa, 3 học sinh lớp 11 tử vong khi tắm biển ngày 8/5 tại tỉnh Nam Định, trước đó là vụ 9 trẻ em họp lớp 6 tử vong khi tắm sông tại Quảng Ngãi vào ngày 15/4…” ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết.


Nguyên nhân khách quan, theo ông Đặng Hoa Nam, là do năm nay nắng nóng, oi bức khiến nhiều học sinh muốn bơi lội để giải tỏa “cơn khát”. Bên cạnh đó là các nguyên nhân chủ quan như trẻ em thiếu kỹ năng an toàn dưới nước, không biết bơi, sự vô trách nhiệm của một số chủ công trình xây không cắm biển báo đối với các điểm đang thi công...


Theo khảo sát của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hiện mới chỉ có 35% trẻ em ở đồng bằng sông Cửu Long biết bơi và chỉ có 10% trẻ em khu vực đồng bằng sông Hồng biết bơi. Tỷ lệ này càng thấp hơn nữa với vùng miền núi. Với trẻ em thành phố, tỷ lệ biết bơi ngày càng thấp so với trẻ em nông thôn. “Với tỷ lệ trẻ em biết bơi thấp như trên thì nguy cơ đuối nước càng cao”, ông Đặng Hoa Nam cho biết.


Còn ông Phạm Ngọc Trung, Giám đốc Dự án phổ cập bơi (Công ty Thể thao và giải trí Bằng Linh) cho rằng: “Qua việc triển khai dự án trong 3 năm nay và nhận thấy trẻ em thiếu các kỹ năng mềm phòng chống đuối nước. Ngay như vụ đuối nước ở Quảng Ngãi làm 9 học sinh tử vong, cũng có vài em đã biết bơi. Nghĩa là các em không có kỹ năng mềm phòng đuối nước. Do đó, khi triển khai dự án, chúng tôi muốn truyền cho hàng trăm ngàn em nhỏ kỹ năng phòng tránh đuối nước qua các buổi tuyên truyền tại các trường”.


Dạy bơi cho trẻ em cần linh hoạt

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã có chỉ đạo triển khai dạy bơi cho trẻ trong các trường học, đặc biệt là các Trường trung học cơ sở và tiểu học. “Về nhân lực dạy bơi, phía Bộ không thiếu, nhưng khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất phục vụ việc dạy bơi rất khó khăn. “Cách đây khoảng 6 năm, Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng và trình Chính phủ đề án dạy bơi cho trẻ trong trường học, tuy nhiên đề án này không được phê duyệt do không đủ kinh phí để triển khai, nhất là việc xây bể bơi tại trường học. Sau đó, chúng tôi tìm các biện pháp khác như huy động nguồn lực của xã hội để đầu tư các bể bơi mini với giá từ 700 đến 800 triệu đồng/bể. Tuy nhiên, do kinh phí lớn nên hiện nay số trường được hỗ trợ xây bể bơi rất hạn chế…”, ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công táchọc sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết.

Một lớp dạy bơi miễn phí do Thành đoàn Hà Nội phối hợp tổ chức.

Để tăng tỷ lệ biết bơi ở trẻ em, chủ trương Bộ GD&ĐT kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng bể bơi trong trường học. “Nhưng quan trọng nhất hiện nay là xây dựng thiết chế liên kết giữa trường học và cơ sở có bể bơi tại cơ sở để học sinh học bơi. Thực tế nhiều địa phương đã có bể bơi nhưng còn nặng về kinh doanh. Do đó, chính quyền địa phương có quy định bắt buộc dành tỷ lệ thời gian nhất định trong việc dạy bơi cho các trường học”, ông Dương Văn Bá cho biết.


Với lý do trên, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, khẳng định việc dạy bơi cho trẻ em cần linh hoạt chứ không nhất thiết phải xây bể bơi mới dạy bơi cho trẻ. “Các địa phương nên rà soát các mô hình dạy bơi phù hợp, như dùng bạt chống thấm để tạo ra các hồ bơi, dùng lưới ngăn các góc sông để tập bơi cho trẻ. Đối với các bể bơi sẵn có, cần huy động các tổ chức từ thiện hỗ trợ một phần tiền phí học bơi cho các trẻ. Quỹ bảo vệ trẻ em của Bộ cần nghiên cứu và sớm triển khai đề án hỗ một phần kinh phí dạy bơi cho trẻ, nhất là vùng có nguy cơ đuối nước cao”, bà Đào Hồng Lan cho biết.


Ông Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Hà Nội, cho biết: “Việc dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước cần làm thường xuyên. Công tác phòng chống thương tích, đăng biệt là đuối nước được Thành đoàn triển khai rộng khắp 30 quận huyện với mục đích tăng tỷ lệ học sinh biết bơi, biết kỹ năng phòng chống đuối nước. Hiện thành đoàn phối hợp với 30 trường tiểu học dạy bơi tại các bể bơi liên kết; trong đó có 10 trường được làm quanh năm từ vài năm nay”.


Ông Phạm Ngọc Trung nhận xét: “Với điều kiện hiện nay việc đào tạo bơi là khó khăn nhưng dạy các em kỹ năng mềm phòng chống đuối nước là rất dễ. Các trường có thể dùng các tiết học ngoại khoá để dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuôis nước. Đây phải là một khóa học các kỹ năng mềm bắt buộc trong trường học về phòng chống đuối nước hay các tai nạn khác Đứng ở góc độ chuyên môn, để học sinh biết bơi phải cho trẻ em đi học bơi từ sớm, độ tuổi lý tưởng là học sinh tiểu học và THCS”.


Xuân Cường
Dạy bơi vẫn khó trăm đường
Dạy bơi vẫn khó trăm đường

Việc tổ chức dạy bơi lội góp phần tích cực trong công tác giáo dục thể chất học sinh. Đây là một kỹ năng rất quan trọng cần được trang bị cho học sinh nhằm giảm tình trạng đuối nước. Thế nhưng, việc tổ chức dạy bơi cho trẻ vẫn còn nhiều bất cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN