Thời gian qua, thông tin một số loại hàng hóa như hoa quả, lồng đèn Trung Quốc, áo lót ngực... bị nhiễm chất độc có hại cho sức khỏe được dư luận hết sức quan tâm. Trong lúc các cơ quan chức năng chưa đưa ra được kết luận chính thức về chất lượng hàng hóa, thì những thiệt hại đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, cũng như sự hoang mang của người dân thì đã thấy rõ. Làm sao để khâu kiểm định hàng hóa luôn được thực hiện một cách chủ động, chứ không chạy theo sau những tin đồn, mà nhiều khi là tin đồn thất thiệt?
Quản lý chất lượng hàng hóa từ gốc
Theo các chuyên gia, để đẩy nhanh hơn nữa khâu kiểm định chất lượng hàng hóa thì hàng hóa cần được giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng ngay từ trước khi nhập khẩu. Đồng thời quy trình công bố kết quả kiểm nghiệm hàng hóa mỗi khi có tin đồn về chất lượng sản phẩm hàng hóa đó cần được rút ngắn hơn nữa.
Phải quản lí từ gốc
Nghị định 132/2008 NĐ - CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, từng loại hàng hóa khác nhau sẽ được phân chia trách nhiệm quản lí cho các đơn vị khác nhau. Ví dụ, mặt hàng vải vóc giao cho Bộ Công Thương; thiết bị điện giao cho Bộ Khoa học Công nghệ; phân bón, hóa chất, giống cây trồng thì giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguyên tắc chung với hàng hóa nhập khẩu là khi doanh nghiệp hai bên kí hợp đồng thì phải kiểm tra chất lượng sản phẩm từ nguồn, phải đảm bảo về chất lượng của sản phẩm, làm đủ thủ tục để phù hợp với luật pháp Việt Nam trước khi nhập khẩu.
Chi cục quản lý thị trường Nghệ An kiểm tra, phát hiện áo lót phụ nữ có chứa chất lạ tại chợ Vinh. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật - TTXVN |
Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), cơ quan nhà nước không thể kiểm nghiệm hết hàng hóa trên thị trường được mà việc này thuộc về trách nhiệm của các doanh nghiệp được quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là đường biên giới của nước ta rất dài, tình trạng buôn lậu vẫn chưa thể kiểm soát hết. Số lượng hàng chính ngạch có thể kiểm soát được còn rất hạn chế so với hàng lậu tràn lan trên thị trường. Thỉnh thoảng, trên thị trường lại rộ lên thông tin sản phẩm chứa chất độc. Theo ông Vinh, trong trường hợp này, người tiêu dùng phải phản ánh, rồi cơ quan chức năng đến lấy mẫu đi thử theo đúng chức năng của mình.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho rằng: Cần thay đổi phương pháp quản lí hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, trước khi doanh nghiệp trong nước nhập sản phẩm nào đó thì phải có kế hoạch lâu dài. Họ phải đến cơ sở đối tác, kiểm tra quy trình sản xuất rồi chứng nhận. Sau này cứ đúng hàng đó thì mới chấp nhận nhập. Không thể để như hiện nay, cứ thả nổi đầu vào rồi đẩy trách nhiệm cho đơn vị quản lý thị trường và cơ quan kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm.
Cần siết chặt khâu kiểm soát chất lượng hoa quả nhập khẩu.Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Cũng theo ông Thiện, cần đẩy mạnh việc chặn hàng lậu, hàng nhập khẩu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thay vì chạy theo để kiểm nghiệm vì không thể kiểm nghiệm hết hàng hóa trôi nổi trên thị trường. Và dù có kiểm tra, phát hiện ra chất độc thì cũng rất khó xử lí triệt để. Ông Thiện lấy ví dụ về những chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường. Do không được kiểm soát chặt chẽ nên hiện giờ rất khó để thu hồi hết. “Bán ra thị trường rồi biết đâu kiểm tra được. Ta phải thay đổi tư duy về quản lí vì hiện nay chúng ta đang nắm đường ngọn”, ông Thiện nói.
Theo ông Trần Văn Vinh, các doanh nghiệp cần thay đổi cách thức kinh doanh, cách thức làm ăn theo hướng bài bản hơn và Nhà nước cũng cần có chế tài mạnh hơn để ràng buộc họ. Ví dụ, những hàng hóa như đồ điện tử không có nguồn gốc, chất lượng rõ ràng, khi qua biên giới phải dừng lại chờ 5 ngày để kiểm định thì lần sau họ sẽ không làm như thế nữa, chuyển sang làm bài bản hơn.
Rút ngắn quy trình công bố kết quả xét nghiệm
Ông Trần Văn Vinh cho biết, một chiếc máy có khả năng xét nghiệm ra chất độc có giá rất cao. Quy trình kiểm nghiệm cũng rất phức tạp. Mỗi chiếc máy chỉ được thiết kế để nhận diện một chất nào đó, nếu là chất khác chưa được thiết kế thì nó không thể nhận diện được. Một phần nguyên nhân là máy móc xét nghiệm của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu từ nước ngoài.
“Như vụ áo ngực, đến nay người ta mới chỉ kết luận được chất trong áo ngực không phải là silicon chứ cũng chưa biết nó là chất gì. Chiếc máy thiết kế để ngửi mùi thuốc lá thì chỉ nhận được ra mùi thuốc lá, chứ mùi khác là chịu. Công ty Kenia của Malaixia là một đơn vị rất mạnh về thử nghiệm, có nhiều máy để phát hiện các chất song nhiều khi vẫn phải bó tay với các chất mới chưa từng được phát hiện”, ông Vinh cho hay. Cùng chung quan điểm với ông Vinh, ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng khi tìm ra chất gì trong hàng hóa, người ta mới xác định xem nó có thể chứa độc tố không rồi phân tích tiếp. Quá trình này rất khó, cần nhiều thời gian.
Thực tế hiện nay, trong khi người tiêu dùng đang rất trông đợi kết quả kiểm nghiệm hàng hóa thì việc kiểm nghiệm này lại trải qua rất nhiều khâu, khiến việc công bố kết quả diễn ra muộn. Trong quá trình chờ đợi kết quả từ cơ quan chức năng, người tiêu dùng thường chỉ còn biết nói “không” với hàng hóa ấy. Đi liền với đó, nhiều sản phẩm khác có chất lượng cũng bị vạ lây. Trong trường hợp áo ngực xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất lạ, gây hoang mang dư luận thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Thiện lí giải việc chậm công bố kết quả là do việc công bố phải trải qua nhiều khâu. Đầu tiên là đơn vị quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa trên thị trường, liên hệ với Bộ Y tế. Bộ Y tế không lí giải được thì họ lại liên hệ với các phòng thí nghiệm để phân tích. Việc phân tích cũng gặp khó khăn vì không biết nó là dạng chất gì, phải tìm phương pháp thử nghiệm...
“Tôi nghĩ là cần phải rút gọn quy trình công bố, nên loại bớt những khâu liên quan đến thủ tục hành chính. Thay vì làm 10 bước, chỉ cần làm 3 bước còn bỏ 7 bước liên quan đến thủ tục. Ví dụ phòng thí nghiệm chỉ làm mất 2 tiếng đồng hồ là ra kết quả nhưng cái quy trình từ lúc phân tích đến đưa ra kết quả mất đến 3 ngày do phải thông qua nhiều đơn vị kí xác nhận, sau đó mới công bố được. Một số người sợ trách nhiệm nên phải đợi... xin ý kiến cấp trên rồi mới dám công bố. Quy trình này làm kéo dài thời gian công bố kết quả. Lẽ ra trong những trường hợp có tin đồn như vậy cần nhanh chóng công bố kết quả để trấn an dư luận”, ông Thiện nói.
Hoàng Dương