Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các huyện: Mù Cang Chải, Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Trạm Tấu (Yên Bái); Tiên Yên, Hoành Bồ, thị xã Quảng Yên, Hải Hà (Quảng Ninh); Bảo Yên, Văn Bàn (Lào Cai). Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy là cấp 1.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, để chủ động ứng phó với mưa, lũ quét, sạt lở đất, các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Các địa phương tiến hành khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại. Các bên liên quan cũng thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều; chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Các địa phương rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông ở khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn... Đồng thời, địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lốc, sét, lũ quét, sạt lở đất cho cộng đồng...