Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, dịch vụ internet, mạng xã hội đã mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của cá nhân, cộng đồng, quốc gia - dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, công nghệ cũng tồn tại nhiều mặt trái. Những vụ lừa đảo trên không gian mạng đang ngày càng gia tăng mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Thiếu kiến thức, gây hậu quả lớn
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với 8 chị em, cuộc sống chịu nhiều cơ cực từ lúc còn nhỏ, thiếu sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ của bố mẹ, cuối năm 2021 em Vừ Thị Mỷ (sinh năm 2008 tại thôn Sán Sì Lủng, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) bị một người liên hệ qua điện thoại rủ đi làm thuê bên Trung Quốc với lời hứa sẽ được trả lương cao. Khi sang đó, em bị ép lấy một người đàn ông lớn tuổi ở khu vực nông thôn. Cuối năm 2022, Mỷ may mắn được các cơ quan chức năng hai nước quan tâm, đưa về nhà sau khi thực hiện một loạt các thủ tục phức tạp vì trước đây em đã nhập cảnh trái phép. Được về với gia đình sau chuỗi ngày vất vả, tuy nhiên việc làm mẹ đơn thân khi đang ở tuổi thiếu niên, khiến tương lai của Mỷ gần như mờ mịt.
Vừ Thị Mỷ cho biết, cuộc sống bên đó cũng trồng ngô, trồng lúa như ở Việt Nam nhưng không sung sướng như lời đồn. Nhiều lúc làm việc chậm, không vừa lòng nhà chồng, em còn bị khinh thường và xúc phạm. Vì sống bất hợp pháp, việc đi lại và làm gì cũng không thuận tiện, không có tiếng nói trong gia đình, chẳng may bị đánh đập không ai bảo vệ mình.
Mặc dù ở dưới xuôi, được tiếp cận với nguồn thông tin dễ dàng hơn, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hà (ở thôn 6, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, Hà Nội) cũng tin vào những lời ngon ngọt của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội, đầu tư tiền vào những kênh do bọn chúng đưa ra và bị rơi vào bẫy, mất tiền oan.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, bị các đối tượng mời tham gia vào nhóm kiếm tiền. Đầu tiên chỉ cần nạp 50 nghìn đồng nhưng được rút ra 400 nghìn đồng, rất đơn giản. Chị Hà nghe và làm theo vài lần như thế cho đến khi số tiền nạp vào là 18 triệu, không thể rút được nữa.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, có khoảng 30 loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao khác nhau như lừa tiền, lừa tình, quấy rối tình dục… Các đối tượng lừa đảo tìm hiểu, thu thập thông tin của người sử dụng mạng xã hội, từ đó đưa ra những tình huống thao túng tâm lý, lấy lòng tin của người bị hại. Thời điểm đầu năm, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ cao tuổi và trẻ em…
Tại Việt Nam, vấn đề phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, việc bảo vệ trẻ em và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên không gian mạng hay bảo vệ phụ nữ, trẻ em an toàn trước nạn mua bán người là một trong những nội dung được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cả hệ thống chính trị quan tâm, cam kết thực hiện. Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An toàn thông tin mạng năm 2018 đã có những quy định liên quan đến bảo vệ phụ nữ, trẻ em trên môi trường mạng.
Lợi dụng nhu cầu của người dân để lừa đảo
Hiện nay, các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thông tin vẫn còn những vấn đề bất cập. Khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế cho thấy, tại Việt Nam, hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận kết nối internet; 43% trẻ em tiếp cận mạng internet từ 30 phút đến 1 tiếng/ngày. Cứ 10 nạn nhân lừa đảo trực tuyến đã có 9 người là phụ nữ. Chỉ trong quý III năm 2023, đã có đến 790 vụ lừa đảo trên mạng được phát hiện. Con số này tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2022.
Luật sư Hà Huy Từ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, internet có tác động rất lớn đến con người nói chung cũng như phụ nữ và trẻ em nói riêng, internet là kho tàng tri thức khổng lồ, vô tận của nhân loại. Phụ nữ được học tập, làm việc, kiếm tiền thông qua mạng xã hội. Trẻ em tận dụng được nguồn lực từ internet để học tập tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, những mặt mạnh, internet cũng có hạn chế, đó là gia tăng các loại tội phạm mạng trên mạng xã hội. Một số người dân do trình độ nhận thức có những hạn chế, dễ trở thành nạn nhân, bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật như vu khống, xúc phạm trên mạng xã hội.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, hiện nay, rất nhiều phụ nữ bị lừa đảo trên mạng, không chỉ ở Việt Nam mà kể cả các nước trên thế giới. Theo bà Hương, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ thói quen sử dụng mạng xã hội của phụ nữ khác với nam giới. Báo cáo về hành vi sử dụng mạng xã hội cho thấy, cả nam và nữ, mục tiêu đầu tiên khi lên mạng xã hội là tìm thông tin. Tuy nhiên, nhu cầu chia sẻ, tâm sự của phụ nữ cao hơn so với nam giới (phụ nữ chiếm hơn 60%, trong khi nam giới chỉ khoảng 50%). Đặc biệt những nội dung liên quan mua bán, quảng cáo, tỷ lệ phụ nữ tham gia cao gần gấp rưỡi so với nam giới.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các thủ đoạn ngày càng tinh vi và luôn luôn thay đổi các hình thức với mục đích lợi dụng nhu cầu của người dân, trong đó có phụ nữ để lừa đảo. Phụ nữ có nhu cầu rất chính đáng là tìm được việc làm mà vẫn có thể chăm sóc được con. Chính vì vậy, rất nhiều phụ nữ hiện nay đang bị rơi vào cái bẫy làm việc online tại nhà và trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao.
Bài 2: Tỉnh táo để an toàn