Tạo dựng văn hóa xe buýt được sự quan tâm của nhiều người. Nhiều bạn đọc là học sinh, sinh viên, công nhân viên đã đóng góp ý kiến cho xây dựng văn hóa xe buýt Hà Nội.
Luôn đông nghẹt người đợi xe buýt giờ cao điểm |
*Bác Phạm Thị Hảo, (Gia Lâm, Hà Nội): “Vẫn còn lái phụ xe hách dịch, quát tháo với khách”
Là thương binh, lại có tuổi, nên tôi thường đi lại bằng xe buýt số 34 (BX Mỹ Đình - BX Gia Lâm) qua Bệnh viện Giao thông vận tải để khám bệnh. Thỉnh thoảng đi thăm bạn bè tôi cũng đi bằng xe buýt cho an toàn. Khi đi xe, tôi thường thấy phụ xe nhắc hành khách nhường chỗ cho người già, phụ nữ, trẻ em... rồi sắp xếp chỗ đứng trên xe như cho những người lên trước dồn về phía sau, không đứng tràn lan ở phía trước. Tuy vậy, một số tuyến đi ra ngoại thành, thỉnh thoảng cũng thấy hiện tượng lái xe, phụ xe hách dịch, quát tháo với khách. Chẳng hạn như khách mới lên đang tìm chỗ đứng, thì phụ xe đã nói cộc lốc: “Đi xuống phía sau đi”; có những khi hành khách nói chuyện điện thoại, hoặc nói chuyện trên xe buýt, phụ xe thay vì nhắc nhở thì họ lại quát: “Nói bé thôi”.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, tôi nhận thấy lái xe ứng xử điềm đạm, lái xe chạy từ tốn hơn. Tuy nhiên, cũng có lái xe phóng nhanh và khi phanh thì rất gấp, khiến nhiều người ngã dúi dụi, nhiều người đứng không bám chắc ngã lăn ra sàn. Theo tôi, ứng xử trên xe buýt do tính cách từng người, họ cũng chịu nhiều áp lực từ giao thông đô thị của chúng ta còn “bát nháo”, lại phục vụ nhiều đối tượng hành khách… Dù vậy, đã là đơn vị làm dịch vụ thì nên nhẹ nhàng, mềm mỏng.
*Chị Trần Thị Toán, nhân viên văn phòng: “Tình trạng chen lấn xô đẩy vẫn diễn ra vào giờ cao điểm”
Nhà ở Mê Linh, trong khi chỗ làm tại Mai Dịch, nên tôi chọn xe buýt đi làm hàng ngày cho an toàn. Thường tôi mất khoảng 1 tiếng đi trên xe buýt. Vào giờ cao điểm, tình trạng chen lấn xô đẩy thường xuyên diễn ra, cũng có hôm quá đông, lái xe bỏ điểm hoặc dừng lại lấy lệ, nhưng không cho hành khách lên xe vì quá đông. Về phía hành khách cũng có nhiều hành vi chưa văn hóa. Một số thanh niên không nhường chỗ cho người lớn tuổi và còn vô tư nô đùa, khi phụ xe nhắc họ cũng nhường chỗ nhưng tỏ ra khó chịu.
Thái độ của lái xe vào giờ cao điểm luôn căng thẳng, thời điểm này hỏi chuyện lái, phụ xe dễ bị họ cáu gắt. Tuy nhiên so với những năm trước, lái phụ xe đã hòa nhã hơn. Giờ khách lên xe họ đều giao cuống vé để thuận tiện cho kiểm tra vì gần đây thanh tra giao thông thường xuyên trên tuyến này. Cách đây mấy tháng, trên tuyến xe của tôi bất ngờ có thanh tra của ngành giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu kiểm tra vé hành khách. Phát hiện một vài hành khách không có vé, lập tức phụ xe bị lập biên bản phạt. Có lẽ do gần đây, thanh tra thường xuyên trên tuyến và thường đi lẫn vào hành khách để giám sát nên lái, phụ xe chấp hành khá nghiêm túc quy định.
*Hoàng Hương Ly, sinh viên năm thứ 4, lớp 010G1, khoa Ngôn ngữ và văn hóa phương Tây (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội): “Đề nghị tăng chuyến giờ cao điểm”.
Hằng ngày, tôi đi học bằng xe buýt, tuyến số 26 (Mai Động – SVĐ Quốc gia), thỉnh thoảng khi bị nhỡ chuyến, tôi cũng đi các tuyến khác như 32… Xe buýt qua các trường học vào giờ cao điểm thường quá tải do nhiều sinh viên chọn đây là phương tiện chính. Để giảm tải và để học sinh, sinh viên không bị nhỡ chuyến, rất mong đơn vị dịch vụ tăng chuyến vào thời gian cao điểm.
*Nguyễn Hoài Linh, sinh viên Đại học Công nghiệp: “Để kịp chuyến, nhiều hành khách chen lấn không theo quy định”.
Tôi thường đi tuyến xe buýt 20 từ Cầu Giấy xuống Nhổn – Mai Dịch. Vào giờ cao điểm, hành khách đi lại rất đông, thường xảy ra chen lấn xô đẩy. Để kịp giờ và không bị xe bỏ chuyến, nên khi xe dừng hành khách đều có tâm lý đều muốn lên xe. Khi đông quá, nhiều lúc lái xe không mở cửa lên mà chỉ mở mỗi cửa xuống nên gây ra tình trạng chen lấn tại 1 cửa. Tình trạng quá tải thường ngày đầu tuần nên sinh viên tuyến này có câu ca: "Đi bus những buổi đầu tuần/Kiểu gì cũng lại gian truân xếp hàng /Khi lên thì rất gọn gàng/Còn khi bước xuống phục trang ướt mèm". Hiện tại nhiều người người ngoại thành đang sử dụng xe buýt đi làm và đi học buổi đêm, do vậy nên chạy chuyến cuối muộn hơn 1 chút từ hai đầu bến. Nếu kết thúc chạy lúc 21h35 nhiều người không sử dụng được dịch vụ xe buýt và thường bị lỡ xe!
*Lê Tuấn Anh, sinh viên lớp Điện Viễn thông 2, K57, Đại học Bách khoa Hà Nội: “Tuyến xe buýt ngoại thành nhiều lúc chạy nhanh”
Nhà ở Mỹ Đức, Hà Nội, hàng ngày đi học bằng xe buýt, cuối tuần về quê cũng bằng xe buýt, nên tôi rất quen thuộc với những tuyến xe buýt trong thành phố và đường dài. Về cơ bản hành khách đi xe buýt đã có ý thức chấp hành nội quy, cư xử văn minh, đúng mực như nhường ghế cho người già, phụ nữ mang thai, trẻ em… Có thể thấy những tuyến xe buýt chạy trong nội đô, những lái xe, phụ xe phục vụ hành khách rất tốt, tận tình trả lời, giải đáp những thắc mắc của người đi xe, đỡ cụ già, em nhỏ khi lên, xuống xe, xếp chỗ ngồi… Những hành động đó đã tạo được thiện cảm cho những người đi xe buýt.
Tuy nhiên, trên những tuyến xe buýt đường dài, đi vùng ngoại thành như tuyến 75 vào cuối tuần, đôi khi cung cách của cả lái xe, phụ xe lẫn hành khách vẫn chưa được tốt lắm. Có những đoạn lái xe đi với tốc độ rất cao, có lẽ là vì ít chịu sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Còn với phụ xe và hành khách đôi khi còn có thái độ chưa thực sự đúng mực. Nguyên nhân xuất phát từ việc đây là những tuyến xe đường dài, hành khách về quê thường mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh, về nguyên tắc là không được mang quá nhiều đồ lên xe buýt nên phụ xe đã có phản ứng hơi quá với những hành khách này.
Xuân Minh- Hà Liên