Lợn bị tiêm thuốc an thần chờ giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á hôm 29/9. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Cụ thể, theo quy định tại khoản 10, 12, 13 Điều 20 của Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y quy định, hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 30 - 35 triệu đồng.
Thêm vào đó là hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 3 - 6 tháng. Ngoài ra, buộc tạm dừng giết mổ động vật bị sử dụng thuốc an thần trước khi giết mổ cho đến khi có kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm; buộc tiêu hủy sản phẩm động vật có dư lượng thuốc an thần vượt quá giới hạn do Bộ Y tế quy định đối với hành vi vi phạm này.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, việc áp dụng xử phạt khi phát hiện sử dụng thuốc an thần theo Nghị định 90 là chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, Bộ Y tế lại không có quy định ngưỡng tồn dư Acepromazine trong thịt hoặc không được có trong thịt theo quy chuẩn thịt tươi. Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi Thú y TP Hồ Chí Minh cũng mới được Cục Thú y chỉ định tạm thời xét nghiệm phát hiện chất Acepromazine trong nước tiểu bằng phương pháp Elisa và HPLC, còn việc phát hiện chất này trong thịt hiện chưa có phương pháp.
Do vậy, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời chấn chỉnh tình trạng xử dụng thuốc an thần trong giết mổ thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định hàm lượng tồn dư tối thiểu hoặc không được có trong thịt và phương pháp phát hiện chất an thần.
Đồng thời, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh Nghị định 90 theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, bổ sung hình thức buộc xử lý tiêu hủy đối với hành vi sử dụng thuốc an thần tiêm cho lợn. Trong thời gian chờ bổ sung điều chỉnh quy định, đề nghị cho được phép xử lý tiêu hủy đối với các trường hợp xét nghiệm phát hiện tồn dư Acepromazine trong nước tiểu và thịt.
Liên quan đến việc xử lý vi phạm các đối tượng trong vụ việc gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi đem vào giết mổ ở cơ sở Xuyên Á cuối tháng 9/2017 vừa qua, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn đã xác định bị tiêm thuốc an thần; công khai danh sách các hộ kinh doanh vi phạm. Đồng thời, thực hiện xử phạt hành chính 13 hộ kinh doanh vi phạm, với mức xử phạt từ 32,5-35 triệu đồng/hộ; các đối tượng này phải thanh toán chi phí xét nghiệm 2,65 triệu đồng/hộ vi phạm và đình chỉ hoạt động tham gia giết mổ trong 3 tháng.
Đối với trách nhiệm của cán bộ có liên quan, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cũng đã thành lập Hội đồng kỷ luật xử lý kỷ luật đối với Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi – Thú y. Cụ thể, cảnh cáo đối với Chi cục trưởng và điều chuyển công tác về đơn vị khác trực thuộc Sở; khiển trách Chi cục phó.
Chi cục Chăn nuôi - Thú y TP Hồ Chí Minh cũng đã họp Hội đồng kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động có liên quan, với mức xử lý kỷ luật: giáng chức đối với Quyền trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Củ Chi, cách chức đối với Phó Trưởng trạm Chăn nuôi Thú y huyện Củ Chi và điều động bố trí công tác khác. Cảnh cáo 16 viên chức trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại cơ sở Xuyên Á có mặt trong ca trực; khiển trách 3 viên chức trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ nhưng nghỉ ca trực; kéo dài thời gian nâng lương 6 tháng đối với 2 trường hợp nhân viên hợp đồng lao động. Các trường hợp vi phạm sẽ không bố trí công tác kiểm soát giết mổ trong thời gian tới. Ngoài ra, đối với các trường hợp vi phạm là Đảng viên, Đảng ủy khối Dân chính đảng đang thụ lý hồ sơ để xử lý theo quy định.
Trước thực tế hoạt động quản lý Nhà nước về chăn nuôi, kinh doanh lợn và thịt lợn trên địa bàn còn nhiều “lỏng lẻo”, UBND TP Hồ Chí Minh ngày 19/10 cũng đã có công văn khẩn gửi các đơn vị liên quan về thực hiện một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý hoạt động chăn nuôi kinh doanh giết mổ lợn và thịt lợn trên địa bàn thành phố.
UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan tăng cường kiểm sát việc giết mổ lợn và vệ sinh thú y để kiểm soát chặt chẽ nguồn lợn đưa giết mổ, đảm bảo giết mổ lợn được thực hiện tại các cơ sở theo tập trung đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra xử lý vi phạm, chú trọng kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở chăn nuôi giết mổ lợn không đảm bảo vệ sinh, an toàn chất lượng sản phẩm, để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố phối hợp với Công an, Chi cục Quản lý thị trường thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm dịch việc vận chuyển, tiêu thụ lợn tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, kiên quyết xử lý các vi phạm không đảm bảo quy định của pháp luật.
Bên cạnh tăng cường công tác quản lý giết mổ, kinh doanh, UBND TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các Sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc thịt lợn, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với mặt hàng thịt lợn tại các chợ đầu mối…