Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác phòng, chống mại dâm đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do vẫn còn quan điểm, nhận thức trái chiều nhau đối với vấn đề mại dâm.
Đấu tranh tệ nạn mại dâm cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Ảnh: congannhandan |
Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay đã được ban hành hơn 10 năm, do vậy, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới; chưa có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại, hỗ trợ người bán dâm, thiếu một hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt, thân thiện với người bán dâm và nạn nhân của bóc lột tình dục.
Tệ nạn mại dâm là vấn đề xã hội khó giải quyết không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. “Hoạt động mại dâm là bất hợp pháp ở Việt Nam, việc xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm phải đảm bảo tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội, nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với chính người mại dâm và xã hội, góp phần vào sự ổn định, phát triển đất nước”, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết.
Do đó phòng chống mại dâm phải tập trung thực hiện trọng tâm vào hai nhóm giải pháp chính: phòng ngừa, hỗ trợ xã hội và xử lý nghiêm, quyết liệt các hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm; Nâng cao vai trò của cộng đồng và các thiết chế xã hội (gia đình, nhà trường…), huy động và mở rộng sự tham gia của các tổ chức xã hội và của chính quyền cấp cơ sở, người dân. Từ các quy định Hiến pháp, Luật phòng chống HIV/AIDS, Luật phòng chống mua bán người, Luật Xử lý vi phạm hành chính và trên cơ sở thực tế từ địa phương và thực hiện công tác phòng chống mại dâm tiếp tục xây dựng Luật phòng, chống mại dâm. Theo đó xác định rõ hơn đối tượng điều chỉnh điều chỉnh của Luật PCMD, trong đó mở rộng khái niệm mại dâm làm cơ sở cho việc xây dựng chế tài nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm hành chính trong các cơ sở kinh dianh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Đồng thời quy định rõ hơn về các chính sách hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng nhằm bảo đảm các quyền được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ y tế, xã hội.
Việc xây dựng Luật PCMD theo hướng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng; tập trung giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, nhất là thanh niên; trang bị các kỹ năng tự phòng tránh, thuc đẩy các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên. Đồng thời sửa đổi các quy định về pháp luật về cấp giấy phép thành lập, hoạt động và các quy định cụ thể các tiêu chuẩn và điều kiện trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đối với các ngành nghề dễ phát sinh tệ nạn mại dâm như massage, vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ… nhằm ngăn ngừa các hoạt động trá hình núp bóng để hoạt động mại dâm. Luật PCMD quy định cụ thể về các hành vi vi phạm hành chính, chế tài xử lý liên quan đến mại dâm để đảm bảo tính thống nhất với các Luật khác liên quan và tăng tính hiệu quả trong đấu tranhv ới tệ nạn này”, ông Đàm cho biết.
Theo ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Quốc hội, qua giám sát tại các địa phương cho thấy việc phạt tiền, quản lý đối tượng mại dâm tại cộng đồng hiệu quả không cao vì hầu hết các đối tượng không hành nghề tại địa phương. Nhiều địa phương chưa kiên quyết chỉ đạo phòng chống tệ nạn mại dâm, nhất là vùng giáp ranh. Một phần đội ngũ cấp xã phường hầu hết là kiêm nhiệm chưa phòng chống hiệu quả. Thực tế Pháp lệnh phòng chống mại dâm, Luật xử lý vi pham hành chính… chưa tương thích, do đó cần nâng pháp lệnh thành luật theo hướng tiếp cận quyền con người, đồng thời tăng cường dịch vụ giảm tác hại đối với HIV/AIDS, tác hại cho xã hội.
Còn ông ArthurErken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Tôi tán thành việc nâng Pháp luật phòng chống mại dâm thành Luật để phù hợp với thực tế tình hình hiện nay và Hiến pháp sửa đổi vừa được thông qua. Tuy nhiên, việc sửa đổi theo hướng tôn trọng quyền con người, lưu ý tổ chức năng lực dân sự, hỗ trợ chính quyền địa phương để nâng cao năng lực phòng chống tệ nạn mại dâm. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các ban ngành như lao động, y tế, công an trong việc giảm tác hại của tệ nạn này với cộng đồng.
Còn bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, nêu ý kiến: Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm, trong khi chưa có chính sách, dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm xã hội của người bán dâm, không rõ trách nhiệm của chính quyền, tổ chức xã hội, đoàn thể cũng như chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, phi chính phủ vào việc hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng.
XM