Theo đó, đoạn sạt lở có tổng chiều dài khoảng 1.000m (tương ứng từ K78+500-K79+500 đê tả sông Thao), cung sạt dài 150m khiến chân kè bị xói sâu, đỉnh kè xuất hiện cung trượt. Trong đó, đoạn km79+350-km79+500, điểm sạt lở chỉ cách quốc lộ 2D vài mét. Sạt lở đã khiến 7 nhà dân bị ảnh hưởng, hai gia đình phải di dời gấp trong đêm 22/11.
Theo ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Khu dân cư Bồng Lạng, xã Phùng Nguyên, điểm sạt lở đã đe dọa trực tiếp đến 7 hộ dân khu Bồng Lạng, trong đó có hai gia đình nhà cửa bị nứt tường nghiêm trọng. Chính quyền địa phương phải huy động lực lượng di dời khẩn cấp người và tài sản đến nơi an toàn.
Bà Nguyễn Thúy Liễu (Khu Bồng Lạng) cho biết, những vết nứt bắt đầu xuất hiện ngoài sân, nhưng chỉ hai hôm sau đã lan rộng đến ngôi nhà gia đình bà đang sinh sống. Hiện nay, cả 4 bức tường của gia đình bà đều đã bị nứt toác. Người dân, bà con lối xóm và chính quyền địa phương đã đến giúp đỡ gia đình di dời tài sản đến nơi an toàn.
Theo lãnh đạo UBND xã Phùng Nguyên, nguyên nhân dẫn đến sạt lở trong nhiều ngày qua có thể là do mực nước sông Thao xuống thấp, phía bờ hữu sông Thao có bãi bồi lớn, làm thay đổi dòng chảy khiến nước chảy siết áp sát bờ tả, gây ra tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Ông Dương Hoàng Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao cho biết thêm, trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân huyện Lâm Thao đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trước mắt, chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện việc di dời người và tài sản của những hộ dân có nguy cơ cao để bảo đảm an toàn tuyệt đối đến tính mạng, tài sản của người dân.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quốc Bình cho biết, sau khi kiểm tra thực tế tại điểm sạt lở, Sở đã báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cho xử lý khẩn cấp nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở lan rộng để bảo đảm an toàn cho tuyến kè và tuyến đê tả Thao; đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người dân xã Phùng Nguyên, yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.