Mới đây tại khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh ghi nhận một trường hợp bé nhũ nhi 20 ngày tuổi nhập viện điều trị thủy đậu do lây từ mẹ. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh, cho biết bệnh thủy đậu không cần phải nằm viện, chủ yếu là điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, khoa đã phải điều trị cho 24 trẻ bị thủy đậu do bị biến chứng nặng.
Đa số những trường hợp nhập viện điều trị là những trẻ có biến chứng nặng. |
Theo bác sĩ Khanh, bệnh thủy đậu tại các tỉnh miền Nam diễn ra hàng năm theo chu kỳ từ tháng 2 đến tháng 6, đỉnh điểm của dịch rơi vào khoảng tháng 4 đến tháng 5. Đặc tính của thủy đậu là có tốc độ gia tăng nhanh chóng và khó kiểm soát. Vi rút thủy đậu có thể phát tán trước khi phát hiện bệnh và tồn tại trong vùng hầu, họng của người bệnh đến 3 tuần sau khi hết bệnh. Do vậy, thông thường nếu trong gia đình hoặc môi trường tập thể chỉ cần một người mắc sẽ lần lượt lây bệnh hết cho những người còn lại.
"Cấu trúc bệnh thủy đậu đã thay đổi không còn như trước nữa. Nếu trước đây, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học thì nay có nhiều trường hợp là người lớn trong độ tuổi khoảng từ 25-30 mắc bệnh, sau đó lây ngược lại cho trẻ nhỏ. Người lớn mắc thủy đậu thường bị nặng hơn", bác sĩ Khanh cho biết.
Theo các bác sĩ, bệnh thủy đậu có thể gây nhiễm trùng da nơi nổi mụn nước, có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da trẻ. Đây là biến chứng thường gặp nhất của thủy đậu. Nặng hơn nữa, vi trùng bội nhiễm có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài r còn có một số biến chứng nặng khác như: viêm phổi, viêm não, viêm tủy cắt ngang…
Để phòng ngừa dịch bệnh thủy đậu, bác sĩ Khanh khuyến cáo, phụ huynh nên cho trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa thủy đậu, mỗi mũi tiêm cách nhau ít nhất là 3 tháng. Còn đối với người lớn nhất là phụ nữ ở độ tuổi sinh sản cũng nên đi tiêm vắc xin ngừa thủy đậu bởi nếu mang thai ở 3 tháng đầu tiên bị mắc thủy đậu thì ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi.
Hiện nay thủy đậu đã có thuốc điều trị đặc hiệu và thuốc bôi ngoài da, vì vậy nên cho trẻ uống thuốc càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 48 giờ sau khi phát bệnh. Nên đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tắm rửa, giữ vệ sinh thân thể, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng khi mắc thủy đậu.
Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh cũng cảnh báo, hiện vẫn còn rất nhiều phụ huynh và người dân áp dụng nhưng phương pháp dân gian trong điều trị bệnh. Chẳng hạn như quan niệm người bệnh nổi càng nhiều mụn nước càng tốt, dùng gốc rạ tắm, kiêng nước, kiêng gió... điều này càng dễ gây nhiễm trùng và làm cho tình trạng của bệnh thêm nặng hơn.