Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện hàng loạt biện pháp y tế như thành lập và đưa vào hoạt động nhiều bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính, trưng dụng ký túc xá làm khu cách ly tập trung. Trước diễn biến mới phức tạp của dịch COVID-19, thành phố yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tạm hoãn các chuyến đi công tác nước ngoài để tập trung chỉ đạo, điều hành tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Thành phố đã hạn chế tối đa các cuộc họp nhiều thành viên trực tiếp tham dự, thay vào đó tổ chức họp trực tuyến, yêu cầu thành viên dự họp phải đeo khẩu trang, giới hạn cuộc họp không quá 50 người, thành viên ngồi cách nhau ít nhất 1,5m, hạn chế trao đổi cự ly gần; tiến hành vệ sinh phòng họp, khử khuẩn các bề mặt, đồ vật tiếp xúc với người dự họp sau mỗi cuộc họp. Động thái quyết liệt vừa qua của thành phố nhận được sự đồng tình của dư luận là việc cho dừng hoạt động sân golf Thủ Đức, tạm ngưng hoạt động các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán bia, club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống công suất phục vụ trên 30 người, câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp, cắt tóc...
UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình thành phố tổ chức dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình trong thời gian được nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố, trong đó có chương trình học cho học sinh lớp 9, lớp 12.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận huyện tăng cường tuyên truyền thông qua sử dụng các kênh giao tiếp trên mạng, mạng xã hội Việt Nam, hình thức trực tuyến để hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn), Cổng dịch vụ công của thành phố (dvc.hochiminhcity.gov.vn) và trang dịch vụ công trực tuyến của các sở, ngành, UBND các quận huyện.
UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành bố trí nhân sự hướng dẫn, trao đổi qua hộp thư điện tử, tin nhắn, điện thoại, đường dây nóng, đảm bảo trả lời các phản ánh, kiến nghị thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị; thực hiện rà soát, công khai thủ tục hành chính để thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Cùng với đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Tài chính đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử, hướng dẫn các sở, ban ngành, UBND quận huyện áp dụng nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân, tổ chức.
Hạn chế tập trung đông người
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc tăng cường sử dụng các kênh giao tiếp trên mạng, mạng xã hội Việt Nam, hình thức trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính hạn chế tối đa tiếp xúc đông người, Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh đã vận động, khuyến khích người dân, tổ chức doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Bưu điện thành phố sẽ giảm 20% giá cước khi người dân và doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công trực tuyến và sử dụng dịch vụ bưu điện.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Anh - Chánh Văn phòng UBND quận Gò Vấp cho hay, trước khi có chỉ đạo của UBND thành phố về tăng cường sử dụng kênh giao tiếp qua mạng, quận Gò Vấp đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến, tuy nhiên chỉ đạt mức khiêm tốn so với nhiều quận huyện khác. Tỷ lệ nộp hồ sơ nộp trực tuyến của cá nhân, tổ chức trên địa bàn không tăng cao nhưng trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để hạn chế tập trung đông người quận sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cũng như tổ chức nhân sự giải quyết hồ sơ trực tuyến.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Hiệp - Chánh Văn phòng UBND Quận 12, trước khi có chỉ đạo của UBND thành phố, Quận 12 đã đẩy mạnh giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực như tư pháp, y tế, tài nguyên môi trường, lao động, quản lý đô thị, kinh tế. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, UBND Quận 12 đã đề nghị thủ trưởng các phòng, ban, ngành quận, Chủ tịch UBND 11 phường tăng cường theo dõi, kiểm tra việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức bảo đảm việc giải quyết hồ sơ được đúng hạn, bổ sung hồ sơ, từ chối tiếp nhận, thực hiện thư xin lỗi; phát hiện và xử lý các trường hợp hồ sơ bị trễ hạn. Ngoài ra Quận 12 cũng phối hợp với Bưu điện huyện Hóc Môn thực hiện tuyên truyền rộng rãi đến cá nhân, tổ chức về chính sách ưu đãi cước dịch vụ bưu chính công ích trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh khuyến nghị, trước tác động của dịch COVID-19 các doanh nghiệp không tổ chức các sự kiện đông người như tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, khánh thành rầm rộ, sử dụng phương thức hội nghị trực tuyến; điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất kinh doanh, cho phép một bộ phận cán bộ, nhân viên đủ điều kiện được làm việc từ xa, tại nhà, không phải đến cơ quan như lĩnh vực môi giới, tiếp thị, pháp chế, công nghệ thông tin... Đồng thời, doanh nghiệp tính đến giải pháp tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.
Là doanh nghiệp sử dụng nhân viên bán hàng, tiếp thị bất động sản lên tới hàng chục nghìn người, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tập đoàn Novaland đã thành lập Ban Phòng chống dịch bệnh để hoạch định kế hoạch dự phòng liên quan đến việc vận hành và kiểm soát rủi ro trên quy mô toàn Tập đoàn, bao gồm khu văn phòng, các sàn giao dịch, các công trường đang thi công, các khách sạn và các khu dân cư do tập đoàn đầu tư hoặc phát triển. Về công tác nhân sự Tập đoàn “chia nhỏ” các nhóm nhân viên, bố trí ngày làm việc khác nhau để tránh tập trung và có phương án xử lý trong tình huống nếu phải cách ly để bộ máy vẫn hoạt động, đảm bảo công việc diễn ra bình thường.
Giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là xu hướng tất yếu trong cấu trúc đô thị thông minh mà còn là giải pháp giúp hạn chế tối đa tiếp xúc đông người trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với hàng loạt giải pháp được triển khai đồng bộ, người dân, tổ chức và doanh nghiệp có quyền hy vọng vào sự thành công trong việc phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung.